Điều 177 Bộ luật Tố tụng Hình sự quy định:
“Sau khi nhận hồ sơ vụ án, Thẩm phán được phân công chủ toạ phiên toà có quyền quyết định việc áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, trừ việc áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp tạm giam do Chánh án hoặc Phó Chánh án Tòa án quyết định.
Thời hạn tạm giam để chuẩn bị xét xử không được quá thời hạn chuẩn bị xét xử quy định tại Điều 176 của Bộ luật này.
Đối với bị cáo đang bị tạm giam mà đến ngày mở phiên tòa thời hạn tạm giam đã hết, nếu xét thấy cần tiếp tục tạm giam để hoàn thành việc xét xử, thì Tòa án ra lệnh tạm giam cho đến khi kết thúc phiên tòa”.
Mục 2 Phần I Nghị quyết 04/2004/NQ-HĐTP Hướng dẫn thi hành một số quy định trong Phần thứ ba "Xét xử sơ thẩm" quy định:
“2.1. Áp dụng, thay đổi hoặc huỷ bỏ biện pháp tạm giam
a) Áp dụng biện pháp tạm giam là việc Chánh án hoặc Phó Chánh án Toà án theo đề nghị của Thẩm phán được phân công chủ toạ phiên toà ra lệnh tạm giam bị can, bị cáo trong trường hợp bị can, bị cáo chưa bị tạm giam hoặc đang bị tạm giam mà thời hạn tạm giam đã hết và căn cứ vào quy định tại Điều 88 của BLTTHS, xét thấy cần thiết tạm giam hoặc tiếp tục tạm giam bị can, bị cáo.
b) Thay đổi biện pháp tạm giam là việc Chánh án hoặc Phó Chánh án Toà án theo đề nghị của Thẩm phán được phân công chủ toạ phiên toà ra quyết định thay đổi biện pháp tạm giam bằng biện pháp ngăn chặn khác trong trường hợp bị can, bị cáo đang bị tạm giam, nhưng xét thấy không cần thiết tiếp tục tạm giam bị can, bị cáo mà có thể áp dụng biện pháp ngăn chặn khác (cấm đi khỏi nơi cư trú; bảo lĩnh; đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm).
c) Huỷ bỏ biện pháp tạm giam là việc Chánh án hoặc Phó Chánh án Toà án theo đề nghị của Thẩm phán được phân công chủ toạ phiên toà ra quyết định huỷ bỏ biện pháp tạm giam đối với bị can, bị cáo trong trường hợp bị can, bị cáo đang bị tạm giam, nhưng xét thấy không cần thiết tiếp tục tạm giam bị can, bị cáo và cũng không cần thiết áp dụng biện pháp ngăn chặn khác.
d) Sau khi quyết định áp dụng, thay đổi hoặc huỷ bỏ biện pháp tạm giam, nếu xét thấy cần thiết thì Chánh án hoặc Phó Chánh án Toà án vẫn có quyền huỷ bỏ hoặc áp dụng lại biện pháp tạm giam.
2.2. Thời hạn tạm giam
Theo quy định tại đoạn 2 Điều 177 của BLTTHS, thì thời hạn tạm giam để chuẩn bị xét xử không được quá thời hạn chuẩn bị xét xử quy định tại Điều 176 của Bộ luật này. Do đó, sau khi nhận hồ sơ vụ án, Thẩm phán được phân công chủ toạ phiên toà cần kiểm tra ngay các tài liệu có trong hồ sơ vụ án liên quan đến việc áp dụng hoặc không áp dụng biện pháp ngăn chặn, để quyết định như sau:
a) Đối với bị can đang bị tạm giam mà khi thời hạn tạm giam gần hết (thời hạn tạm giam còn lại không quá năm ngày) và xét thấy cần thiết tiếp tục tạm giam bị can thì đề nghị Chánh án hoặc Phó Chánh án Toà án ra lệnh tạm giam. Thời hạn tạm giam trong trường hợp này được tính kể từ ngày nhận hồ sơ vụ án và không được quá bốn mươi lăm ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng, hai tháng đối với tội phạm nghiêm trọng, hai tháng mười lăm ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng và ba tháng mười lăm ngày đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
b) Đối với bị can đang bị tạm giam mà thời hạn tạm giam đang còn, thì khi thời hạn tạm giam gần hết (thời hạn tạm giam còn lại không quá năm ngày) cần phải xem xét có cần thiết tiếp tục tạm giam nữa hay không. Nếu xét thấy cần thiết tiếp tục tạm giam bị can (hoặc bị cáo, nếu đã có quyết định đưa vụ án ra xét xử) thì đề nghị Chánh án hoặc Phó Chánh án Toà án ra lệnh tạm giam. Thời hạn tạm giam trong trường hợp này được tính kể từ ngày tiếp theo ngày tạm giam cuối cùng của lệnh tạm giam trước đó và không được quá thời hạn chuẩn bị xét xử quy định tại Điều 176 của BLTTHS và được hướng dẫn tại điểm a tiểu mục 1.2.1 mục 1 Phần I của Nghị quyết này trừ đi thời hạn bị can (hoặc bị cáo) bị tạm giam, kể từ ngày Toà án nhận hồ sơ vụ án.
Ví dụ: Ngày 01-02-2004, Toà án nhận được hồ sơ vụ án đối với bị can A. Bị can A bị Viện kiểm sát truy tố về tội phạm nghiêm trọng và đang bị tạm giam theo lệnh tạm giam của Viện kiểm sát đến hết ngày 15-02-2004. Khi thời hạn tạm giam theo lệnh tạm giam trước đó gần hết và xét thấy cần thiết tiếp tục tạm giam bị can (hoặc bị cáo, nếu đã có quyết định đưa vụ án ra xét xử) thì đề nghị Chánh án hoặc Phó Chánh án Toà án ra lệnh tạm giam kể từ ngày 16-02-2004 và thời hạn tạm giam không được quá bốn mươi lăm ngày (hai tháng là thời hạn chuẩn bị xét xử đối với tội phạm nghiêm trọng trừ đi mười lăm ngày bị can đã bị tạm giam theo lệnh tạm giam trước đó, kể từ ngày 01-02-2004 là ngày nhận hồ sơ vụ án).
c) Đối với bị can đang được tại ngoại, nếu sau khi nhận hồ sơ vụ án hoặc trong thời hạn nghiên cứu hồ sơ vụ án xét thấy cần thiết áp dụng biện pháp tạm giam đối với họ, thì đề nghị Chánh án hoặc Phó Chánh án Toà án ra lệnh bắt và tạm giam ngay. Theo quy định tại đoạn 2 Điều 177 của BLTTHS thì thời hạn tạm giam để chuẩn bị xét xử không được quá thời hạn chuẩn bị xét xử quy định tại Điều 176 của BLTTHS và được tính kể từ ngày bắt bị can để tạm giam; do đó, trong trường hợp này phải tính thời hạn chuẩn bị xét xử theo quy định tại Điều 176 của BLTTHS và hướng dẫn tại điểm a tiểu mục 1.2.1 mục 1 Phần I của Nghị quyết này để xác định cụ thể ngày kết thúc thời hạn chuẩn bị xét xử và ghi thời hạn tạm giam trong "Lệnh bắt và tạm giam" như sau:
"Thời hạn tạm giam tính từ ngày bắt để tạm giam cho đến ngày... tháng... năm..." (ghi ngày, tháng, năm kết thúc thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm).
d) Trong trường hợp phải gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử, nếu khi gần hết thời hạn tạm giam (thời hạn tạm giam còn lại không quá năm ngày) được hướng dẫn tại các điểm a, b và c tiểu mục 2.2 mục 2 Phần I của Nghị quyết này và xét thấy cần thiết tiếp tục tạm giam, thì Chánh án Toà án có quyền ra lệnh tạm giam tiếp. Thời hạn tạm giam trong trường hợp này không quá thời hạn được gia hạn để chuẩn bị xét xử quy định tại đoạn 2 khoản 2 Điều 176 của BLTTHS.
đ) Trường hợp trong vụ án có nhiều bị can bị truy tố về nhiều tội phạm khác nhau (tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng), thì thời hạn tạm giam đối với từng bị can không được quá thời hạn chuẩn bị xét xử đối với tội phạm nặng nhất mà bị can đó bị truy tố. Nếu khi hết thời hạn tạm giam theo hướng dẫn tại các điểm a, b, c và d tiểu mục 2.2 mục 2 Phần I của Nghị quyết này và xét thấy cần thiết tiếp tục tạm giam để hoàn thành việc xét xử, thì thực hiện việc tạm giam trong trường hợp để hoàn thành việc xét xử theo hướng dẫn tại tiểu mục 2.3 mục 2 Phần I của Nghị quyết này.
e) Trường hợp Thẩm phán được phân công chủ toạ phiên toà ra quyết định đình chỉ vụ án theo quy định tại khoản 2 Điều 105 và các điểm 3, 4, 5 và 6 Điều 107 của BLTTHS hoặc khi Viện kiểm sát rút toàn bộ quyết định truy tố trước khi mở phiên toà nếu bị can đang bị tạm giam, thì đề nghị Chánh án hoặc Phó Chánh án Toà án ra quyết định huỷ bỏ biện pháp tạm giam và trả tự do ngay cho bị can, nếu họ không bị giam, giữ về hành vi vi phạm pháp luật khác.
2.3. Tạm giam trong trường hợp để hoàn thành việc xét xử
Đối với bị cáo đang bị tạm giam, nếu đến ngày mở phiên toà hoặc trong quá trình xét xử thời hạn tạm giam đã hết, thì trước khi thời hạn tạm giam gần hết (thời hạn tạm giam còn lại không quá năm ngày), Thẩm phán được phân công chủ toạ phiên toà phải đề nghị Chánh án hoặc Phó Chánh án Toà án ra lệnh tạm giam. Thời hạn tạm giam được tính kể từ ngày tiếp theo ngày tạm giam cuối cùng của lệnh tạm giam trước đó và cho đến khi kết thúc phiên toà; cụ thể cần ghi: "Thời hạn tạm giam kể từ ngày... tháng... năm... cho đến khi kết thúc phiên toà sơ thẩm"”.
Trên đây là các nội dung tư vấn của Luật Huy Thành để Quý Khách hàng tham khảo. Các vấn đề khác cần tham vấn hoặc hỗ trợ pháp lý, đề nghị Quý Khách hàng liên hệ với Luật Huy Thành qua Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 1900 6179 hoặc qua mobile để yêu cầu dịch vụ của Luật sư Nguyễn Văn Thành - Luật sư Giỏi tại Hà Nội: 0909 763 190.
Bạn tham khảo bài viết liên quan TẠI ĐÂY