Giám định tư pháp là việc người giám định tư pháp sử dụng kiến thức, phương tiện, phương pháp khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ để kết luận về chuyên môn những vấn đề có liên quan đến hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự, giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính theo trưng cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng hoặc theo yêu cầu của người yêu cầu giám định theo quy định của Luật này (khoản 1 Điều 2 Luật Giám định tư pháp)
Giám định giữ một vai trò quan trọng trong quá trình giải quyết vụ án, là căn cứ khoa học để cơ quan tiến hành tố tụng tìm ra được sự thật khách quan của vụ án.
Trưng cầu giám định (Điều 155 BLTTHS)
1. Khi có những vấn đề cần được xác định theo quy định tại khoản 3 Điều này hoặc khi xét thấy cần thiết thì cơ quan tiến hành tố tụng ra quyết định trưng cầu giám định.
2. Quyết định trưng cầu giám định phải nêu rõ yêu cầu giám định vấn đề gì; họ tên người được trưng cầu giám định hoặc tên cơ quan tiến hành giám định; ghi rõ quyền và nghĩa vụ của người giám định quy định tại Điều 60 của Bộ luật này.
3. Bắt buộc phải trưng cầu giám định khi cần xác định:
a) Nguyên nhân chết người, tính chất thương tích, mức độ tổn hại sức khoẻ hoặc khả năng lao động;
b) Tình trạng tâm thần của bị can, bị cáo trong trường hợp có sự nghi ngờ về năng lực trách nhiệm hình sự của họ;
c) Tình trạng tâm thần của người làm chứng hoặc người bị hại trong trường hợp có sự nghi ngờ về khả năng nhận thức và khai báo đúng đắn đối với những tình tiết của vụ án;
d) Tuổi của bị can, bị cáo, người bị hại, nếu việc đó có ý nghĩa đối với vụ án và không có tài liệu khẳng định tuổi của họ hoặc có sự nghi ngờ về tính xác thực của những tài liệu đó;
đ) Chất độc, chất ma tuý, chất phóng xạ, tiền giả”.
Ví dụ: Ngày 28/03/2006, A, B, C đến nhà H uống rượu. A và C bị say rượu, lợi dụng A say rượu B và H đã thực hiện hành vi hiếp dâm với A. Về tuổi của người bị hại thì có các tài liệu sau: theo hộ khẩu (lập tháng 12/2003) thì A sinh ngày 05/10/1990; theo hồ sơ học sinh và giấy chứng nhận tốt nghiệp, A sinh ngày 20/10/1988. Theo lời khai của bà T (người đại diện hợp pháp của người bị hại), khi đi học A không đủ tuổi, gia đình phải khai tăng tuổi lên có ngày sinh 20/10/1988, đến năm 2003 khi lập hộ khẩu gia đình đã khai lại ngày sinh của A cho đúng. Như vậy, nếu kết luận A sinh ngày 05/10/1990 (khi bị hiếp dâm mới là 15 tuổi 5 tháng 23 ngày) thì các bị cáo sẽ bị xử tội hiếp dâm trẻ em theo khoản 3 Điều 112 BLHS. Nếu người bị hại sinh ngày 20/10/1988 (khi bị hiếp dâm đã trên 17 tuổi) thì các bị cáo chỉ phạm vào tội hiếp dâm quy định tại khoản 2 Điều 111 BLHS. Như vậy, trong trường hợp này cần yêu cầu trưng cầu giám định xương của người bị hại để xác định tuổi của người bị hại, nhằm tìm ra được sự thật khách quan của vụ án.
Việc tiến hành giám định (Điều 156 BLTTHS)
1. Việc giám định có thể tiến hành tại cơ quan giám định hoặc tại nơi tiến hành điều tra vụ án ngay sau khi có quyết định trưng cầu giám định.
Điều tra viên, Kiểm sát viên có quyền tham dự giám định, nhưng phải báo trước cho người giám định biết.
2. Trong trường hợp việc giám định không thể tiến hành theo thời hạn mà cơ quan trưng cầu giám định yêu cầu thì cơ quan giám định hoặc người giám định phải thông báo ngay bằng văn bản và nêu rõ lý do cho cơ quan đã trưng cầu giám định biết.
Nội dung kết luận giám định (Điều 157 BLTTHS)
1. Nội dung kết luận giám định phải ghi rõ: thời gian, địa điểm tiến hành giám định; họ tên, trình độ văn hóa, trình độ chuyên môn của người giám định; những người tham gia khi tiến hành giám định; những dấu vết, đồ vật, tài liệu và tất cả những gì đã được giám định, những phương pháp được áp dụng và giải đáp những vấn đề đã được đặt ra có căn cứ cụ thể.
2. Để làm sáng tỏ hoặc bổ sung nội dung kết luận giám định, cơ quan trưng cầu giám định có thể hỏi thêm người giám định về những tình tiết cần thiết và có thể quyết định giám định bổ sung hoặc giám định lại.
Trên đây là các nội dung tư vấn của Luật Huy Thành để Quý Khách hàng tham khảo. Các vấn đề khác cần tham vấn hoặc hỗ trợ pháp lý, đề nghị Quý Khách hàng liên hệ với Luật Huy Thành qua Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 1900 6179 hoặc qua mobile để yêu cầu dịch vụ của Luật sư Nguyễn Văn Thành - Luật sư Giỏi tại Hà Nội: 0909 763 190.
Bạn tham khảo bài viết liên quan TẠI ĐÂY