Theo khoản 4 Điều 3 Bộ luật Hình sự về nguyên tắc xử lý: “Đối với người bị phạt tù thì buộc họ phải chấp hành hình phạt trong trại giam, phải lao động, học tập để trở thành người có ích cho xã hội; nếu họ có nhiều tiến bộ thì xét để giảm việc chấp hành hình phạt”.
Như vậy, với tinh thần nhân đạo, khoan hồng với người phạm tội thì pháp luật cho phép người phạm tội sẽ được giảm mức hình phạt nếu có nhiều tiến bộ trong quá trình chấp hành hình phạt. Bộ Luật hình sự cũng có một quy định riêng về giảm mức hình phạt đã tuyên để đảm bảo nguyên tắc trên.
– Điều 58 Bộ luật hình sự quy định:
“1. Người bị kết án cải tạo không giam giữ, nếu đã chấp hành hình phạt được một thời gian nhất định và có nhiều tiến bộ, thì theo đề nghị của cơ quan, tổ chức hoặc chính quyền địa phương được giao trách nhiệm trực tiếp giám sát, giáo dục, Tòa án có thể quyết định giảm thời hạn chấp hành hình phạt.
Người bị kết án phạt tù, nếu đã chấp hành hình phạt được một thời gian nhất định và có nhiều tiến bộ, thì theo đề nghị của cơ quan thi hành án phạt tù, Toà án có thể quyết định giảm thời hạn chấp hành hình phạt.
Thời gian đã chấp hành hình phạt để được xét giảm lần đầu là một phần ba thời hạn đối với hình phạt cải tạo không giam giữ, hình phạt tù từ ba mươi năm trở xuống, mười hai năm đối với tù chung thân.
2. Người bị kết án phạt tiền đã tích cực chấp hành được một phần hình phạt nhưng bị lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn kéo dài do thiên tai, hoả hoạn, tai nạn hoặc ốm đau gây ra mà không thể tiếp tục chấp hành được phần hình phạt còn lại hoặc lập công lớn, thì theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát, Toà án có thể quyết định miễn việc chấp hành phần tiền phạt còn lại.
3. Một người có thể được giảm nhiều lần, nhưng phải bảo đảm chấp hành được một phần hai mức hình phạt đã tuyên. Người bị kết án tù chung thân, lần đầu được giảm xuống ba mươi năm tù và dù được giảm nhiều lần cũng phải bảo đảm thời hạn thực tế chấp hành hình phạt là hai mươi năm.
4. Đối với người đã được giảm một phần hình phạt mà lại phạm tội mới nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì Toà án chỉ xét giảm lần đầu sau khi người đó đã chấp hành được hai phần ba mức hình phạt chung hoặc hai mươi năm nếu là tù chung thân”.
– Mục 3 Nghị quyết 01/2007/NQ-HĐTP quy định chi tiết điều này như sau:
“3.1. Người đang chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ hoặc hình phạt tù được xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Đã chấp hành được một phần ba thời hạn đối với hành phạt cải tạo không giam giữ, hình phạt tù từ ba mươi năm trở xuống hoặc mười hai năm đối với hình phạt tù chung thân;
b) Chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật; thành thật hối cải, tích cực lao động, học tập;
c) Không vi phạm chế độ, nội quy cụa Trại giam (Trại tạm giam) (đối với trường hợp người đang chấp hành hình phạt tù);
d) Được cơ quan, tổ chức hoặc chính quyền địa phương được giao trách nhiệm trực tiếp giám sát, giáo dục (đối với trường hợp người đang chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ) hoặc cơ quan thi hành án phạt tù (đối với người đang chấp hành hình phạt tù) đề nghị bằng văn bản xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt.
(ảnh minh họa: giảm mức hình phạt đã tuyên)
3.2. Mức giảm thời hạn chấp hành hình phạt
a) Người bị kết án cải tạo không giam giữ thì mỗi lần có thể được giảm từ ba tháng đến chín tháng,
b) Người bị kết án phạt tù từ ba mươi năm trở xuống thì mỗi lần có thể được giảm từ ba tháng đến ba năm. Trường hợp được giảm ba năm phải là người bị kết án phạt tù có thành tích đặc biệt xuất sắc trong lao động, cải tạo và chấp hành nghiêm chỉnh nội quy của Trại giam (Trại tạm giam).
c) Người bị kết án tù chung thân lần đầu được giảm xuống ba mươi năm.
d) Mỗi người có thế được giảm thời hạn chấp hành hình phạt nhiều lần, nhưng phải bảo đảm thời hạn thực tế chấp hành hình phạt là một phần hai mức hình phạt đã tuyên hoặc hai nươi năm đối với hình phạt tù chung thân.
đ) Mỗi người mỗi năm chỉ được xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt một lần. Trường hợp trong năm đó sau khi được giảm thời hạn chấp hành hình phạt mà có lý do đặc biệt đáng được khoan hồng như lại lập công hoặc mắc bệnh hiểm nghèo thì có thế được xét giảm thêm tối đa là hai lần trong một năm.
3.3. Người phải thi hành án khoản tiền phạt (hình phạt tiền) được giảm thi hành án khi có đủ các điều kiện được hướng dẫn tại mục 4 Phần I Thông tư liên tịch số 02/2005/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP-BCA-BTC ngày 17/6/2005 của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Tài chính “hướng dẫn việc miễn, giảm thi hành án đối với khoản tiền phạt, án phí”.
– Khoản 1 Điều 1 Nghị quyết 02/2010/NQ-HĐTP bổ sung hướng dẫn về mức giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù tại điểm b tiểu mục 3.2 mục 3 Nghị quyết số 01/2007/NQ-HĐTP ngày 02-10-2007 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao như sau:
“b) Người bị kết án phạt tù từ 30 năm trở xuống thì mỗi lần có thể được giảm từ ba tháng đến ba năm. Trường hợp được giảm ba năm phải là người bị kết án phạt tù có thành tích đặc biệt xuất sắc trong lao động, cải tạo và chấp hành nghiêm chỉnh nội quy, quy chế giam giữ.
Trường hợp người đang chấp hành hình phạt tù, có đủ các điều kiện được xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù và phần hình phạt tù còn lại mà họ phải chấp hành là dưới 3 tháng thì mức giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù có thể bằng thời hạn tù còn lại nhưng phải bảo đảm chấp hành được một phần hai hình phạt đã tuyên theo đúng quy định tại khoản 3 Điều 58 của Bộ luật hình sự.
Ví dụ 1: Nguyễn Văn A bị kết án 5 năm tù, A đã chấp hành được 4 năm 10 tháng tù và có đủ các điều kiện để được giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù theo hướng dẫn tại tiểu mục 3.1 mục 3 Nghị quyết số 01/2007/NQ-HĐTP. Trong trường hợp này, A có thể được giảm phần hình phạt tù còn lại (2 tháng).
Ví dụ 2: Trần Văn T bị kết án 3 tháng tù, T đã chấp hành được một phần ba hình phạt (1 tháng tù) và có đủ các điều kiện khác để được giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù theo hướng dẫn tại tiểu mục 3.1 mục 3 Nghị quyết số 01/2007/NQ-HĐTP. Trong trường hợp này, T chỉ có thể được giảm đến 1 tháng 15 ngày tù vì theo quy định tại khoản 3 Điều 58 của Bộ luật hình sự thì T phải bảo đảm chấp hành được một phần hai mức hình phạt đã tuyên (tức là 1 tháng 15 ngày tù)”.
Trên đây là các nội dung tư vấn của Luật Huy Thành để Quý Khách hàng tham khảo. Các vấn đề khác cần tham vấn hoặc hỗ trợ pháp lý, đề nghị Quý Khách hàng liên hệ với Luật Huy Thành qua Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 1900 6179 hoặc qua mobile để yêu cầu dịch vụ của Luật sư Nguyễn Văn Thành - Luật sư Giỏi tại Hà Nội: 0909 763 190.
Bạn tham khảo bài viết liên quan TẠI ĐÂY