Phân tích pháp lý vụ Bị cháu đòi đất, chú ôm bình gas cố thủ trong nhà

05/01/2018

1. Nội dung vụ việc

Sáng 18/11, hàng trăm người dân ở khu chợ Bình Hòa, phường Lái Thiêu, thị xã Thuận An tập trung theo dõi diến biến vụ cưỡng chế đối với một căn nhà nằm trong khu chợ này. Phía trong căn nhà đóng cửa là ông Đặng Xuân Đệ (51 tuổi) cùng vợ và 2 con đang cố thủ với nhiều bình gas loại lớn và xăng.

Cơ quan chức năng đã hết lời thuyết phục tuy nhiên ông Đệ không chịu mở cửa, bàn giao khu đất để thi hành án. Vì vậy, lực lượng chức năng đã dùng xà ben phá cửa rồi dùng vòi nước cỡ lớn xịt vào trong khiến cả nhà ông Đệ trở tay không kịp. Sau đó, gia đình ông Đệ bị đưa ra khỏi khu nhà. Đồ đạc, tài sản của ông Đệ cũng được di tản khỏi căn nhà.
Theo một cán bộ có mặt tại hiện trường, việc cưỡng chế thi hành án nhằm lấy lại miếng đất 137,5 m2 bàn giao cho cháu ruột của ông Đệ là chị Đặng Thị Thu Hiền (SN 1985) theo quyết định của Tòa án. Nội dung bản án của TAND Thuận An, miếng đất trên đầu tiên thuộc sở hữu của anh ruột ông Đệ là ông Đặng Văn Vực (60 tuổi), cũng là cha của chị Hiền. Ông Đệ trình bày năm 1997, ông Vực đã bán miếng đất trên cho mình với giá 10 triệu đồng. Ông Đệ đã trả trước 5 triệu đồng và xây nhà ở đến nay. Tuy nhiên việc mua bán không có hợp đồng, chứng thực. Đến năm 2006, ông Vực làm sổ đỏ cho con gái mình là chị Hiền đứng tên mảnh đất trên. Chị Hiền kiện ông Đệ ra tòa để đòi lại mảnh đất mà gia đình chú ruột đang ở và được tòa tuyên thắng kiện.
2. Nhận định pháp lý
Theo nhận định, với những hành vi của mình Ông Đệ và gia đình có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “tội không chấp hành án” theo Điều 304 Bộ luật hình sự.
Điều 304 Bộ luật hình sự quy định: “Người nào cố ý không chấp hành bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật mặc dù đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế cần thiết, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”.
Đối với tội không chấp hành án:
Về mặt chủ thể tội phạm: Chủ thể của tội phạm này tuy không phải là chủ thể đặc biệt, nhưng cũng chỉ có những người có nghĩa vụ trong việc chấp hành bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật mới có thể là chủ thể của tội phạm này.Những người có nghĩa vụ trong việc chấp hành bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật là những người mà theo quy định của pháp luật họ phải có nghĩa vụ chấp hành như: bị cáo, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình sự; đương sự trong các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình; các vụ án kinh tế, hành chính, lao động…
Về mặt khách thể tội phạm: Theo quy định của pháp luật thì bản án và quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật phải được thi hành và phải được các cơ quan, tổ chức và mọi công dân tôn trọng.Tội không chấp hành bản án cũng là tội xâm phạm đến hoạt động bình thường của các cơ quan tiến hành tố tụng, đồng thời xâm phạm trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và của người được thi hành án.Đối tượng tác độngcủa tội phạm này lại chính là các bản án và quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật.

(bị cháu đòi đất, chú ôm bình ga cố thủ trong nhà)
Về mặt khách quan tội phạm: Hành vi khách quan của tội không chấp hành án là người phạm tội thực hiện hành vi thuộc dạng “không hành động”.Không hành động là không làm một việc mà có nghĩa vụ phải làm và có thể làm được. Người phạm tội không chấp hành án là không thi hành quyết định của bản án và các quyết định khác của Toà án mà họ có nghĩa vụ phải thi hành như: không nộp tiền bồi thường để bồi thường cho người bị hại theo bản án đã tuyên; không giao nhà, đất mà theo bản án nhà đất đó phải giao cho người khác; không góp phí tổn nuôi con chung sau khi ly hôn; không chịu cấp dưỡng cho người được cấp dưỡng theo quyết định của bản án…Hành vi không chấp hành bản án có thể kèm theo một số hành vi khác là hành động như: bỏ trốn, tránh mặt lúc lực lượng thi hành lệnh cưỡng chế, khoá cửa không cho lực lượng thi hành án đến thi hành, thậm chí có hành vi chống đối, lăng mạ, hành hung cán bộ thi hành án; tẩu tán tài sản đã bị kê biên…Nếu những hành vi này cấu thành tội khác như tội chống người thi hành công vụ, tội gây rối trật tự công cộng, tội cố ý gây thương tích… thì tùy từng trường hợp mà người phạm tội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội không chấp hành án và tội phạm do thực hiện thủ đoạn không chấp hành bản án gây ra.
Về mặt chủ quan tội phạm: Người phạm tội thực hiện hành vi với lỗi cố ý; mục đích là để không chấp hành bản án hoặc quyết định của Toà án.
Trong vụ việc, ông Đệ và chị Hiền (cháu ông Đệ) có tranh chấp mảnh đất có diện tích 137,5 m2. Tòa án tuyên chị Hiền thắng kiện. Bản án đã có hiệu lực pháp luật. Ngày 18/11, Cơ quan chức năng đã tiến hành cưỡng chế để thi hành án. Tuy đã nhiều lần thuyết phục nhưng ông Đệ cùng gia đình không chịu mở cửa, bàn giao khu đất để thi hành án mà còn có hành vi cố thủ trong nhà với nhiều bình gas lớn và xăng. Phải đến khi Cơ quan chức năng dùng xà ben phá cửa đồng thời dùng vòi nước cỡ lớn xịt vào thì gia đình ông Đệ mới bị đưa ra khỏi căn nhà để tiến hành thi hành án.
Có thể thấy, hành vi của ông Đệ khóa cửa, cố thủ trong nhàkhông chấp hành việc cưỡng chế thi hành án có đầy đủ căn cứ để có thể bị truy cứu về “tội không chấp hành án” theo Điều 304. Cơ quan chức năng đã tiến hành cưỡng chế thi hành án theo đúng bản án dân sự đã có hiệu lực của Tòa án, đã nhiều lần thuyết phục nhưng ông Đệ và gia đình cố ý không chấp hành, chống đối bất hợp tác. Mục đích cố thủ trong nhà của gia đình ông Đệ là không để Cơ quan chức năng tiến hành thi hành án theo bản án được.
Hình phạt cho tội này là cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. Tuy nhiên, nếu phát hiện hành vi của ông Đệ và gia đình đủ yếu tố cấu thành tội khác như: tội chống người thi hành công vụ, tội gây rối trật tự công cộng…thì tùy từng trường hợp ông Đệ và gia đình có thể bị truy cứu thêm về những tội tương ứng đó.

Các vấn đề khác cần tham vấn hoặc hỗ trợ pháp lý, đề nghị Quý Khách hàng liên hệ với Luật Huy Thành qua Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 1900 6179 hoặc qua mobile để yêu cầu dịch vụ của Luật sư Nguyễn Văn Thành - Luật sư Giỏi tại Hà Nội: 0909 763 190.

Bạn tham khảo bài viết liên quan TẠI ĐÂY

bttop