Xét xử lưu động án hình sự: Có vi phạm quyền con người

05/01/2018

Thực tế, khi xét xử lưu động, đôi khi Toà án chỉ mới quan tâm đến mục đích răn đe, cảnh báo chung mà chưa quan tâm đến danh dự, uy tín của bị cáo và thân nhân gia đình họ.

Xét xử là hoạt động của Toà án và việc xét xử luôn phải tuân theo thủ tục, quy trình và nguyên tắc theo luật định.
Không thể phủ nhận khi xét xử lưu động toà án không chỉ thực hiện được chức năng xét xử mà còn còn đem đến cho người dân cơ hội để hiểu biết pháp luật, từ đó đạt được mục đích giáo dục phòng ngừa chung. Ở mức độ nào đó, xét xử lưu động còn thể hiện tính công khai minh bạch, dân chủ của hoạt động tư pháp trong một nhà nước văn minh.
Tuy nhiên, việc xét xử lưu động cũng đặt ra nhiều băn khoăn, khi mà trước cộng đồng người bị buộc tội (bị cáo) khó có thể được bảo vệ nhân phẩm, danh dự của một con người.
Dưới góc nhìn đa chiều ấy, Báo điện tử Người đưa tin trích đăng bài viết của một chuyên gia pháp lý, luật sư Nguyễn Văn Thành – Giám đốc Công ty Luật TNHH Huy Thành – Đoàn luật sư TP. Hà Nội:
"Hiện nay, có lẽ chưa có bất kỳ quy định hay các công trình nghiên cứu nào xác định mục đích của việc xét xử lưu động. Khi nói đến xét xử lưu động là nhiều người vẫn mặc nhiên cho rằng hoạt động xét xử lưu động vụ án hình sự nhằm mục đích phổ biến pháp luật, cảnh báo, răn đe giáo dục chung đối với mọi người.
Cho đến thời điểm hiện tại, Bộ luật Tố tụng Hình sự và/ hoặc các Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán của Toà án nhân dân Tối cao cũng không điều chỉnh về hoạt động xét xử lưu động vụ án hình sự của Toà án. Hay nói cách khác, hoạt động này do ngành Toà án tự đề ra, thực hiện và ngoài phạm vi pháp luật quy định?
Việc đưa bị cáo ra xét xử trước hàng trăm, hàng ngàn người dân nếu xét từ khía cạnh phẩm giá con người có thể sẽ không được đảm bảo. Dẫu sao một người chỉ bị coi là có tội, bị mất một số quyền công dân khi có phán quyết kết tội của tòa án có hiệu lực pháp luật.
Nguyên tắc trên được quy định rõ tại Điều 9 Bộ luật tố tụng hình sự. Và Điều 7 của Bộ luật này cũng quy định: “Công dân có quyền được bảo hộ về danh sự, nhân phẩm…mọi hành vi xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm đều bị xử lý theo quy định”.
Như vậy, tính đến thời điểm sau khi tuyên án sơ thẩm thì bị cáo vẫn được xem là chưa có tội. Do đó, các quyền công dân của bị cáo phải được tôn trọng và đảm bảo, trong đó có quyền được tôn trọng về danh dự và nhân phẩm.
Thực tế, khi xét xử lưu động, đôi khi Toà án chỉ mới quan tâm đến mục đích răn đe, cảnh báo chung mà chưa quan tâm đến danh dự, uy tín của bị cáo và thân nhân gia đình họ.
Chúng ta có thể khẳng định không bị cáo hoặc thân nhân bị cáo nào mong muốn bị đưa ra xét xử tại nơi cư trú, nơi làm việc của mình. Việc bị đưa đi xét xử lưu động, ngoài phải chịu hình phạt theo quy định thì họ còn phải chịu sức ép nặng nề về mặt tinh thần trước cộng đồng, dư luận – Đó là sự lên án, xa lánh.
Chúng ta chưa bàn đến những vụ án oan, mà chỉ trong những vụ án xét xử đúng người đúng tội thì việc bị cáo phạm tội cũng có thể do nóng nảy, bồng bột, thiếu thận trọng. Trong trường hợp này, nếu bị xét xử lưu động sẽ gây thêm sự ác cảm từ cộng đồng và sự mặc cảm từ bản thân bị cáo, đó là rào cản trong việc tái hòa nhập cộng đồng.
Việc xét xử lưu động còn có thể tạo ra sự thiếu công bằng, khách quan trong việc áp dụng pháp luật. Không ít ý kiến cho rằng khi xét xử lưu động, bị cáo thường phải chịu hình phạt nặng hơn so với khi bị xử tại trụ sở Tòa án. Mặt khác, phiên toà lưu động thường có nhiều thành phần, ban ngành tham gia, tâm lý của Hội đồng khi xét xử là luôn muốn phiên toà được thành công nên phải đi đến việc tuyên án, đôi khi đã cố tình bỏ qua các tình tiết mới phát sinh tại phiên tòa mà lẽ ra phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung.
Từ những phân tích nêu trên, có thể nhận định việc xét xử lưu động vụ án hình sự của một số Toà án đôi khi còn tùy tiện chưa phù hợp và vi phạm một số nguyên tắc của Bộ luật Tố tụng hình sự; để lại nhiều hệ luỵ không tốt cho bị cáo cũng như thân nhân, gia đình của họ.
Thiết nghĩ, Quốc Hội, các cơ quan chức năng và cá nhân có thẩm quyền cần xem xét, có ý kiến với ngành Toà án án để chấm dứt tình trạng xét xử này, qua đó đảm bảo tối đa quyền lợi của bị cáo trước khi họ bị tuyên bởi bản án có hiệu lực pháp luật.

Các vấn đề khác cần tham vấn hoặc hỗ trợ pháp lý, đề nghị Quý Khách hàng liên hệ với Luật Huy Thành qua Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 1900 6179 hoặc qua mobile để yêu cầu dịch vụ của Luật sư Nguyễn Văn Thành - Luật sư Giỏi tại Hà Nội: 0909 763 190.

bttop