NGƯỜI GIÚP VIỆC ĐƠN PHƯƠNG CHẤM DỨT HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG

24/05/2018

Tôi quê ở Nam Định, có một người cô hiện đang làm giúp việc cho một gia đình ở Hà Nội. Khi lên Hà Nội làm giúp việc, hai bên có làm Hợp đồng lao động với thời hạn 12 tháng, đến tháng 5/10/2018 sẽ hết hạn. Tuy nhiên, hiện nay vì gia đình có một số việc nên cô tôi không thể tiếp tục giúp việc và muốn về quê, liệu có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với bên thuê không?

Chào bạn, về vấn đề đơn phương chấm dứt hợp đồng của người giúp việc gia đình mà bạn băn khoăn, Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí của Luật Huy Thành xin tư vấn cho bạn như sau:

Căn cứ Điều 37 Bộ luật lao động số 10/2012/QH13 ngày 18 tháng 6 năm 2012 quy định về quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động như sau:

“Điều 37. Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động

1. Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn trong những trường hợp sau đây:

a) Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động;

b) Không được trả lương đầy đủ hoặc trả lương không đúng thời hạn đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động;

c) Bị ngược đãi, quấy rối tình dục, cưỡng bức lao động;

d) Bản thân hoặc gia đình có hoàn cảnh khó khăn không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động;

đ) Được bầu làm nhiệm vụ chuyên trách ở cơ quan dân cử hoặc được bổ nhiệm giữ chức vụ trong bộ máy nhà nước;

e) Lao động nữ mang thai phải nghỉ việc theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền;

g) Người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 90 ngày liên tục đối với người làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn và một phần tư thời hạn hợp đồng đối với người làm việc theo hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa được hồi phục.”

(ảnh minh họa: người giúp việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động)

Với căn cứ nêu trên, cô bạn hoàn toàn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo điểm (d) khoản 1, nhưng phải tuân thủ thời hạn báo trước khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, cụ thể Điều 11 Nghị định số 27/2014/NĐ-CP ngày 07 tháng 04 năm 2014 của Chính phủ quy định:

“Điều 11. Thời hạn báo trước khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động

1. Báo trước 15 ngày khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, trừ trường hợp quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều này.

2. Báo trước ít nhất 03 ngày khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong các trường hợp sau đây:

a) Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc theo hợp đồng lao động;

b) Không được trả lương đầy đủ hoặc trả lương không đúng kỳ hạn theo hợp đồng lao động, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác;

c) Không được bố trí chỗ ăn, ở sạch sẽ, hợp vệ sinh theo hợp đồng lao động;

d) Bị ốm đau, tai nạn không thể tiếp tục làm việc.

3. Không phải báo trước khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong trường hợp sau đây:

a) Bị người sử dụng lao động hoặc thành viên trong hộ gia đình ngược đãi, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, quấy rối tình dục, dùng vũ lực hoặc cưỡng bức lao động;

b) Khi phát hiện thấy điều kiện làm việc có khả năng, nguy cơ gây tai nạn, đe dọa an toàn, sức khỏe của bản thân, đã báo cho người sử dụng lao động biết mà chưa được khắc phục;

c) Do thiên tai, hỏa hoạn hoặc lý do bất khả kháng khác mà người lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động.”

Trên đây là các nội dung tư vấn của Luật Huy Thành về đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động để Quý khách hàng tham khảo. Các vấn đề khác cần tham vấn hoặc hỗ trợ pháp lý, đề nghị Quý Khách hàng liên hệ với Luật Huy Thành qua Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 19006179 hoặc qua mobile để yêu cầu dịch vụ của Luật sư Nguyễn Văn Thành - Luật sư Giỏi tại Hà Nội: 0909 763 190.

Bạn tham khảo bài viết liên quan TẠI ĐÂY

bttop