Tội sản xuất, buôn bán hàng giả

05/01/2018

Do những tác hại rất lớn cho nền kinh tế từ việc sản xuất, buôn bán hàng giải nên nhà nước và pháp luật đã có những quy định hình phạt tương ứng cho những người có hành vi nêu trên

Hàng kém chất lượng, hàng nhái hay hàng giả hiện nay đang là vấn nạn đối với người tiêu dùng và các doanh nghiệp sản xuất chân chính. Các sản phẩm hàng giả, hàng kém chất lượng xuất hiện ở hầu hết các ngành nghề, từ những sản phẩm thủ công đến những sản phẩm trình độ khoa học công nghệ cao, đòi hỏi cao về chất xám. Rất nhiều các cá nhân và tổ chức đã tiếp tay trong việc sản xuất và phân phối các mặt hàng giả, kém chất lượng đến tay người dùng, dẫn đến những thiệt hại to lớn đối với người sử dụng trực tiếp cũng như đối với các nhà sản xuất chân chính. Do những tác hại rất lớn cho nền kinh tế từ việc sản xuất, buôn bán hàng giải nên nhà nước và pháp luật đã có những quy định hình phạt tương ứng cho những người có hành vi nêu trên.
Tội sản xuất, buôn bán hàng giả được quy định tại Điều 156 Bộ luật Hình sự.
1. Phạm tội theo khoản 1 Điều 156
Khoản 1 Điều 156 quy định:
“1. Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ ba mươi triệu đồng đến dưới một trăm năm mươi triệu đồng hoặc dưới ba mươi triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 153, 154, 155, 157, 158, 159 và 161 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến năm năm”.
Theo Điều 3 giải thích từ ngữ của Nghị định 185/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hoạt động Thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì:
¬– “Sản xuất” là việc thực hiện một, một số hoặc tất cả các hoạt động chế tạo, chế bản, in ấn, gia công, đặt hàng, sơ chế, chế biến, chiết xuất, tái chế, lắp ráp, pha trộn, san chia, sang chiết, nạp, đóng gói và hoạt động khác làm ra hàng hóa.
– “Buôn bán" là việc thực hiện một, một số hoặc tất cả các hoạt động chào hàng, bày bán, lưu giữ, bảo quản, vận chuyển, bán buôn, bán lẻ, xuất khẩu, nhập khẩu và hoạt động khác đưa hàng hóa vào lưu thông.
– “Hàng giả” gồm:
a) Hàng hóa không có giá trị sử dụng, công dụng; có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với nguồn gốc bản chất tự nhiên, tên gọi của hàng hóa; có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với giá trị sử dụng, công dụng đã công bố hoặc đăng ký;
b) Hàng hóa có hàm lượng định lượng chất chính hoặc trong các chất dinh dưỡng hoặc đặc tính kỹ thuật cơ bản khác chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với tiêu chuẩn chất lượng hoặc quy chuẩn kỹ thuật đã đăng ký, công bố áp dụng hoặc ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa;
c) Thuốc phòng bệnh, chữa bệnh cho người, vật nuôi không có dược chất; có dược chất nhưng không đúng với hàm lượng đã đăng ký; không đủ loại dược chất đã đăng ký; có dược chất khác với dược chất ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa;
d) Thuốc bảo vệ thực vật không có hoạt chất; hàm lượng hoạt chất chỉ đạt từ 70% trở xuống so với tiêu chuẩn chất lượng, quy chuẩn kỹ thuật đã đăng ký, công bố áp dụng; không đủ loại hoạt chất đã đăng ký; có hoạt chất khác với hoạt chất ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa;
đ) Hàng hóa có nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa giả mạo tên thương nhân, địa chỉ của thương nhân khác; giả mạo tên thương mại hoặc tên thương phẩm hàng hóa; giả mạo mã số đăng ký lưu hành, mã vạch hoặc giả mạo bao bì hàng hóa của thương nhân khác;
e) Hàng hóa có nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa ghi chỉ dẫn giả mạo về nguồn gốc hàng hóa, nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa;
g) Hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ quy định tại Điều 213 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005;
h) Tem, nhãn, bao bì giả.
Việc xác định giá trị hàng giả bằng cách tính giá trị số lượng tương ứng với hàng thật để xác định giá trị cụ thể.
2. Phạm tội theo khoản 2 Điều 156
Người phạm tội theo khoản 2 Điều 156 sẽ bị phạt tù từ ba năm đến mười năm nếu thuộc một trong các trường hợp quy định:
a) Có tổ chức
Là trường hợp có sự cấu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm. Trong đó, ít nhất có người tổ chức, người thực hành…
b) Có tính chất chuyên nghiệp
Mục 5 Nghị quyết 01/2006/NQ-HĐTP ngày 12/5/2006 hướng dẫn áp dụng một số quy định bộ luật hình sự quy định:
“5.1. Chỉ áp dụng tình tiết “phạm tội có tính chất chuyên nghiệp” khi có đầy đủ các điều kiện sau đây:
a) Cố ý phạm tội từ năm lần trở lên về cùng một tội phạm không phân biệt đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chưa được xoá án tích;
b) Người phạm tội đều lấy các lần phạm tội làm nghề sinh sống và lấy kết quả của việc phạm tội làm nguồn sống chính.
Ví dụ: A là một người không nghề nghiệp, chuyên sống bằng nguồn thu nhập từ việc phạm tội. Trong một thời gian, A liên tiếp thực hiện năm vụ trộm cắp tài sản (tài sản chiếm đoạt được trong mỗi vụ có giá trị từ năm trăm ngàn đồng trở lên). Trong trường hợp này, A bị truy cứu trách nhiệm hình sự và phải bị áp dụng tình tiết định khung hình phạt “phạm tội có tính chất chuyên nghiệp”.
5.2. Khi áp dụng tình tiết “phạm tội có tính chất chuyên nghiệp”, cần phân biệt:
a) Đối với trường hợp phạm tội từ năm lần trở lên mà trong đó có lần phạm tội đã bị kết án, chưa được xoá án tích thì tuỳ từng trường hợp cụ thể mà người phạm tội có thể bị áp dụng cả ba tình tiết là “phạm tội nhiều lần”, “tái phạm” (hoặc “tái phạm nguy hiểm”) và “phạm tội có tính chất chuyên nghiệp”.
Ví dụ: B đã bị kết án về tội “trộm cắp tài sản”, nhưng chưa chấp hành hình phạt hoặc sau khi chấp hành xong hình phạt, trong một thời gian, B lại liên tiếp thực hiện bốn vụ trộm cắp tài sản (tài sản chiếm đoạt được trong mỗi vụ có giá trị từ năm trăm ngàn đồng trở lên). Trong trường hợp này, B phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự và phải bị áp dụng ba tình tiết tăng nặng là “phạm tội nhiều lần”, “tái phạm” (hoặc “tái phạm nguy hiểm”) và “phạm tội có tính chất chuyên nghiệp”.
b) Đối với tội phạm mà trong điều luật có quy định tình tiết “phạm tội có tính chất chuyên nghiệp” là tình tiết định khung hình phạt thì không được áp dụng tình tiết đó là tình tiết tăng nặng tương ứng quy định tại Điều 48 của BLHS. Trường hợp điều luật không có quy định tình tiết này là tình tiết định khung hình phạt thì phải áp dụng là tình tiết tăng nặng tương ứng quy định tại Điều 48 của BLHS”.
c) Tái phạm nguy hiểm
Khoản 2 Điều 49 BLHS quy định:
“Những trường hợp sau đây được coi là tái phạm nguy hiểm:
a) Đã bị kết án về tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xóa án tích mà lại phạm tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý;
b) Đã tái phạm, chưa được xóa án tích mà lại phạm tội do cố ý”.
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn
Là trường hợp người phạm tội có chức vụ hay quyền hạn về lĩnh vực mình làm và đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó để thực hiện hành vi phạm tội. Ví dụ: nhân viên Hải quan A lợi dụng các mối quan hệ của mình khi đang làm việc để buôn bán bánh xà phòng giả...
đ) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức
Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức là trường hợp người phạm tội thông qua cơ quan, tổ chức mà mình là thành viên để sản xuất, buôn bán hàng giả. Ví dụ: A làm nhân viên sản xuất bánh kẹo cho công ty B; lợi dụng mình là nhân viên công ty B, A sản xuất và bán bánh kẹo giả cho C để thu lợi.
e) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ một trăm năm mươi triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng.
g) Thu lợi bất chính lớn
Là số tiền mà người phạm tội thu được do sản xuất, buôn bán hàng giả. Số tiền thu lợi bất chính là hiệu số của giá trị nguyên liệu làm nên hàng giả hoặc số vồn mà người phạm tội bỏ ra để mua hàng giả với số tiền thu được mà người phạm tội bán số hàng giả đó. Ví dụ A sản xuất 100.000 chai dầu gội giả hết 300 triệu đồng, A bán hết số hàng giả đó được 500 triệu đồng, như vậy số tiền thu lợi bất chính sẽ là 500-300=200 triệu đồng.
Chưa có hướng dẫn cụ thể thu lợi bao nhiêu là lớn nhưng thực tiễn xét xử cơ quan tố tụng thường xem xét toàn diện để xác định và thường số tiền bất chính từ 50 triệu đến 200 triệu đồng.
h) Gây hậu quả rất nghiêm trọng
Hậu quả rất nghiêm trọng do hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả gây ra là những thiệt hại rất nghiêm trọng đến tính mạng, sức khoẻ, tài sản và những thiệt hại phi vật chất cho xã hội. Do chưa có hướng dẫn cụ thể nên có thể hiểu hậu quả rất nghiêm trọng ở đây có thể là gây nhiều người bị thương, bị trúng độc do dùng hàng giả; số lượng hàng hóa giả lớn tiêu thụ nhiều nơi; gây hoang mang dư luận không dám sử dụng sản phẩm thật nữa…
3. Phạm tội theo khoản 3 Điều 156
Người phạm tội theo khoản 3 sẽ bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm nếu thuộc một trong các trường hợp:
a) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên
b) Thu lợi bất chính rất lớn hoặc đặc biệt lớn
Số tiền thu lợi bất chính có thể từ 200 triệu đồng trở lên là thu lợi rất lớn; có thể là từ 500 triệu đồng trở lên là thu lợi đặc biệt lớn.
c) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng
Hàng giả gây ra chết người hoặc gây thương tích cho nhiều người; có thể gây ra hoang mang sợ hãi trong dư luận; mọi người “tẩy chay” hàng thật gây thiệt hại rất lớn cho đơn vị sản xuất hàng thật…
* Hình phạt bổ xung theo khoản 4 Điều 156: “4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm”.

Trên đây là các nội dung tư vấn của Luật Huy Thành để Quý Khách hàng tham khảo. Các vấn đề khác cần tham vấn hoặc hỗ trợ pháp lý, đề nghị Quý Khách hàng liên hệ với Luật Huy Thành qua Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 1900 6179 hoặc qua mobile để yêu cầu dịch vụ của Luật sư Nguyễn Văn Thành - Luật sư Giỏi tại Hà Nội: 0909 763 190.

Bạn tham khảo bài viết liên quan TẠI ĐÂY

bttop