Thành phần hòa giải tranh chấp đất đai

05/01/2018

Câu hỏi:
Gia đình tôi có tranh chấp đất đai với nhà hàng xóm liền kề, hôm trước xã có xuống đo địa giới đất đai và tổ chức một cuộc họp gồm hai bên gia đình, cán bộ địa chính, công an xã, trưởng thôn. Buổi họp được lập thành biên bản cả hai bên gia đình cùng ký. Tôi muốn hỏi biên bản đó có được coi là biên bản hòa giải tranh chấp đất đai tại xã không? Thành phần tham gia cuộc họp hòa giải theo quy định gồm những ai?.

Trả lời:

Cảm ơn bác đã gửi câu hỏi đến tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6179 – Công ty Luật Huy Thành. Chúng tôi xin được giải đáp như sau:

Khoản 1 Điều 88 Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định: “1. Khi nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm thực hiện các công việc sau:
a) Thẩm tra, xác minh tìm hiểu nguyên nhân phát sinh tranh chấp, thu thập giấy tờ, tài liệu có liên quan do các bên cung cấp về nguồn gốc đất, quá trình sử dụng đất và hiện trạng sử dụng đất;

(ảnh minh họa: thành phần hòa giải tranh chấp đất đai)
b) Thành lập Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai để thực hiện hòa giải. Thành phần Hội đồng gồm: Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân là Chủ tịch Hội đồng; đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã, phường, thị trấn; tổ trưởng tổ dân phố đối với khu vực đô thị; trưởng thôn, ấp đối với khu vực nông thôn; đại diện của một số hộ dân sinh sống lâu đời tại xã, phường, thị trấn biết rõ về nguồn gốc và quá trình sử dụng đối với thửa đất đó; cán bộ địa chính, cán bộ tư pháp xã, phường, thị trấn. Tùy từng trường hợp cụ thể, có thể mời đại diện Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh;
c) Tổ chức cuộc họp hòa giải có sự tham gia của các bên tranh chấp, thành viên Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Việc hòa giải chỉ được tiến hành khi các bên tranh chấp đều có mặt. Trường hợp một trong các bên tranh chấp vắng mặt đến lần thứ hai thì được coi là việc hòa giải không thành”.
Theo quy định của pháp luật, Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai gồm: Chủ tịch hoặc Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân là Chủ tịch Hội đồng, đại diện Ủy ban Mật trận Tổ quốc, trưởng thôn, các hộ dân sinh sống lâu năm tại xã, cán bộ địa chính, cán bộ tư pháp. Thành phần trong buổi làm việc của xã giải quyết tranh chấp đất đai giữa gia đình bác và nhà hàng xóm chỉ gồm có cán bộ địa chính, trưởng thôn, công an xã và hai bên gia đình thì chưa đầy đủ thành phần theo quy định của pháp luật. Vì vậy, biên bản của cuộc họp hôm đó chỉ được coi là biên bản làm việc, không phải là biên bản hòa giải tranh chấp đất đai tại xã.

Trên đây là tư vấn của Luật Huy Thành để Quý Khách hàng tham khảo. Các vấn đề khác cần tham vấn hoặc hỗ trợ pháp lý, đề nghị Quý Khách hàng liên hệ với Luật Huy Thành qua Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 19006179 hoặc qua mobile để yêu cầu dịch vụ của Luật sư Nguyễn Văn Thành - Luật sư Giỏi tại Hà Nội: 0909 763 190.

Bạn tham khảo bài viết liên quan TẠI ĐÂY

bttop