Trách nhiệm bồi thường tai nạn lao động do lỗi của người lao động

05/01/2018

Câu hỏi
Tôi có thuê 5 lao động làm công việc bốc dỡ hàng hoá tại một cảng biển trong thời gian 30 ngày. Trong khi làm việc, vì trời nóng nên những người này rủ nhau trèo thuyền ra một đoạn xa để tắm do nước ở gần bờ không sạch. Do đùa nghịch nên họ bị lật thuyền, có 4 người biết bơi nên đã bơi được vào bờ còn một người không biết bơi nên đã chết đuối. Tôi nghĩ rằng tai nạn này không phải do quá trình làm việc gây ra nên tôi không có trách nhiệm bồi thường cho gia đình người chết. Vậy mong luật sư tư vấn cho tôi.

Trả lời:
Chào bạn, Tổng đài tư vấn pháp luật – Công ty Luật Huy Thành cảm ơn sự quan tâm và tham vấn từ bạn. Với thắc mắc nêu trên, Tổng đài xin tư vấn cho bạn như sau:
Quan hệ giữa bạn và những người bốc dỡ hàng hoá là quan hệ lao động. Vậy nên căn cứ vào Điều 142 Bộ luật Lao động năm 2012 quy định về tai nạn lao động như sau:
“Tai nạn lao động là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động”.

(ảnh minh họa: trách nhiệm bồi thường tai nạn lao động do lỗi của người lao động)
Khoản 2 Điều 12 Nghị định 45/2013/ NĐ – CP quy định về tai nạn lao động và sự cố nghiêm trọng như sau:
“ 1. Tai nạn lao động là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động, kể cả trong thời gian nghỉ giải lao, ăn giữa ca, ăn bồi dưỡng hiện vật, vệ sinh kinh nguyệt, tấm rửa, cho con bú, đi vệ sinh, chuẩn bị và kết thúc công việc tại nơi làm việc.
2. Tai nạn được coi là tai nạn lao động là tai nạn xảy ra tại địa điểm và thời gian hợp lý khi người lao động đi từ nơi ở đến nơi làm việc, từ nơi làm việc về nơi ở”.
Tuy vụ tai nạn xảy ra không do việc thực hiện hoạt động lao động gây ra nhưng do xảy ra trong thời gian làm việc nên vẫn được xác định là tai nạn lao động. Do vậy trách nhiệm của chủ sử dụng lao động được quy định như sau:
Điều 144. Trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
1. Thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả đối với người lao động tham gia bảo hiểm y tế và thanh toán toàn bộ chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định đối với người lao động không tham gia bảo hiểm y tế.
2. Trả đủ tiền lương theo hợp đồng lao động cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc trong thời gian điều trị.
3. Bồi thường cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định tại Điều 145 của Bộ luật này.
Điều 145. Quyền của người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
1. Người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc được hưởng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội.
2. Người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc mà người sử dụng lao động chưa đóng bảo hiểm xã hội cho cơ quan bảo hiểm xã hội, thì được người sử dụng lao động trả khoản tiền tương ứng với chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội.
Việc chi trả có thể thực hiện một lần hoặc hằng tháng theo thỏa thuận của các bên.

3. Người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà không do lỗi của người lao động và bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên thì được người sử dụng lao động bồi thường với mức như sau:
a) Ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động nếu bị suy giảm từ 5,0% đến 10% khả năng lao động; sau đó cứ tăng 1,0% được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80%;
b) Ít nhất 30 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người lao động bị chết do tai nạn lao động.
4. Trường hợp do lỗi của người lao động thì người lao động cũng được trợ cấp một khoản tiền ít nhất bằng 40% mức quy định tại khoản 3 Điều này.
Vì hợp đồng lao động có thời hạn là 30 ngày nên người lao động không thuộc đối tượng phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 2 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014. Như vậy bạn phải chịu trách nhiệm bồi thường theo quy định tại Khoản 4 Điều 145 Bộ luật lao động năm 2015, mức bồi thường được xác định như sau:
MBT= ít nhất bằng 40% * ít nhất 30 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.

Trên đây là tư vấn của Luật Huy Thành để Quý Khách hàng tham khảo. Các vấn đề khác cần tham vấn hoặc hỗ trợ pháp lý, đề nghị Quý Khách hàng liên hệ với Luật Huy Thành qua Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 19006179 hoặc qua mobile để yêu cầu dịch vụ của Luật sư Nguyễn Văn Thành - Luật sư Giỏi tại Hà Nội: 0909 763 190.

Bạn tham khảo bài viết liên quan TẠI ĐÂY

bttop