Ăn cắp vặt bị phạt như thế nào?

03/01/2024

Chào luật sư, ở gần khu nhà tôi gần đây xuất hiện đối tượng ăn cắp vặt, cư dân ở đây đã cảnh cáo rất nhiều lần nhưng đối tượng này vẫn thường xuyên có hành vi như vậy nên muốn để cho công an giải quyết. Vậy luật sư cho tôi hỏi ăn cắp vặt bị phạt như thế nào? Cảm ơn luật sư.

Chào bạn, về vấn đề xử lý hành vi ăn cắp vặt mà bạn đang thắc mắc, tổng đài tư vấn miễn phí Luật Huy Thành xin tư vấn cho bạn như sau:

Hành vi ăn cắp vặt được coi là hành vi lén lút, bí mật chiếm đoạt tài sản của người khác với giá trị nhỏ bằng việc lợi dụng sự sơ hở, mất cảnh giác của chủ sở hữu, người quản lý tài sản, hoặc lợi dụng hoàn cảnh mà người quản lý tài sản không biết.

Hành vi ăn cắp vặt có thể coi là hành vi trộm cắp tài sản với giá trị tài sản nhỏ, xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của người khác.

Vì thế khi thực hiện hành vi ăn cắp vặt với giá trị nhỏ thì có thể sẽ bị xử phạt hành chính theo Khoản 1 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP như sau:

“1. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Trộm cắp tài sản, xâm nhập vào khu vực nhà ở, kho bãi hoặc địa điểm khác thuộc quản lý của người khác nhằm mục đích trộm cắp, chiếm đoạt tài sản;

b) Công nhiên chiếm đoạt tài sản;...”

Trong một số trường hợp đặc biệt, nếu ăn cắp vặt với giá trị dưới hai triệu mà rơi vào các trường hợp tại khoản 1 Điều 173 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 thì vẫn có thể bị xử lý hình sự với hình phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Cụ thể:

“1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 174, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;

đ) Tài sản là di vật, cổ vật.

…”

Trên đây là tư vấn của chúng tôi về vấn đề Xử lý hành vi ăn cắp vặt để Quý Khách hàng tham khảo. Các vấn đề khác cần tham vấn, đề nghị Quý Khách hàng liên hệ với Luật Huy Thành qua Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 19006179 hoặc yêu cầu dịch vụ hỗ trợ pháp lý gọi 19006179 gặp Luật sư Nguyễn Văn Thành - Luật sư Giỏi tại Hà Nội.

Bạn tham khảo bài viết liên quan TẠI ĐÂY.

bttop