Các chiêu trò “móc túi” khách hàng của nhân viên cây xăng

22/01/2021

Bài viết dưới đây chúng tôi muốn nhắc nhở, lưu ý tới Quý khách hàng về các chiêu trò “móc túi” khách hàng của nhân viên cây xăng.

Gần đây, báo chí đưa tin rất nhiều về vấn đề nhân viên một số cây xăng dùng các chiêu trò, thủ đoạn tinh vi để “móc túi” của những người vào đổ xăng. Nạn nhân thường là phụ nữ, người đeo kính, người có biểu hiện say xỉn hay các cặp đôi,.... Vậy cụ thể nhân viên cây xăng đã dùng thủ đoạn như thế nào để ăn gian tiền của khách hàng? Khi vào đổ xăng cần chú ý những vấn đề gì? Hãy cùng Luật sư tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

Để tránh bị “móc túi” khi đổ xăng, khách hàng cần tỉnh táo và chú ý quan sát để nhận biết các chiêu trò gian lận của nhân viên bơm xăng.

Cụ thể, nhân viên ở một số cây xăng thường sử dụng một số thủ đoạn sau để ăn gian mà khách hàng khó phát hiện:

1. Trả lại tiền thiếu.

Khi khách trả tờ tiền mệnh giá lớn, nhân viên cây xăng sẽ cố ý đếm rõ ràng cho khách thấy số tiền trả lại, nhưng khi đưa tiền trả lại cho khách thì dùng ngón tay làm trò ảo thuật kéo giữ lại một tờ gộp chung vào cọc tiền đang cầm trên tay. Vì trực tiếp chứng kiến nên nhiều người tin tưởng không đếm lại tiền được trả lại, cứ thế yên tâm nhận lại tiền mà không biết mình bị lừa.

(ảnh minh họa: các chiêu trò “móc túi” khách hàng của nhân viên cây xăng)

2. Tống hơi vào bình xăng.

Ví dụ khách yêu cầu đổ 50.000 đồng, nhưng khi màn hình hiện 45.000 đồng thì nhân viên sẽ ngắt còi bơm, nhè nhẹ dốc vòi cho xăng chạy ngược về trạm và bấm còi thêm lần nữa để tống hơi vào bình xăng của khách dù đồng hồ vẫn nhảy về 50.000 như thường.

Đây là thủ đoạn rất khó nhận biết và thường được sử dụng để ăn bớt tiền của khách.

3. Bơm xăng nối số.

Với phương thức này, sau khi đổ xong cho xe trước, đúng ra nhân viên phải cài đặt lại máy trở về 0 để bơm tiếp cho xe sau. Tuy nhiên, ở những cây xăng có hành vi gian lận, nhân viên sẽ không làm thế mà đổ chồng lên số lượng xăng của xe vừa đổ. Ở những cây xăng này thường được gắn nhiều đinh ốc trên các cột bơm xăng để phục vụ cho việc gác cò bơm xăng kênh lên, giữ cho máy bơm xăng ở chế độ chờ để bơm nối số, móc túi người tiêu dùng.

Ví dụ: Khách hàng trước đổ 20.000 đồng, sau khi đổ xong và có khách hàng tiếp theo đổ 50.000 đồng, nhân viên sẽ kéo luôn dây và bấm cò cho xăng chạy tiếp từ 20.000 đến 50.000 đồng. Như vậy, khách hàng đã bị ăn gian 20.000 đồng.

4. Nhanh tay xóa số.

Khi có đông khách hàng, sau khi đổ xong cho 01 người, nhân viên sẽ giả vờ vội để đổ cho người kế tiếp và tự cài đặt lại bảng điện tử trước khi khách hàng kịp kiểm tra.

Ví dụ: Khách hàng yêu cầu đổ 50.000 đồng, nhưng nhân viên chỉ đổ đến 30.000 đồng rồi vội vàng cài đặt lại bảng điện tử về số 0 để tiếp tục đổ cho người sau, ăn gian của khách 20.000 đồng.

5. Yêu cầu khách hàng dắt xe ra chỗ khuất bảng điện tử.

Khi đông khách, nhân viên sẽ yêu cầu khách hàng dắt xe ra chỗ khuất bảng điện tử để khách không để ý, không nhìn được bảng. Trong trường hợp này, khách hàng cần rời chỗ khuất và đến bảng điện tử để quan sát, tránh bị gian lận.

6. Một nhân viên bơm xăng, một nhân viên khác tranh thủ bấm bảng điện tử.

Đây là chiêu trò mà nhiều nhân viên cây xăng sử dụng thông qua việc bấm số “ảo” nhằm qua mắt người tiêu dùng. Cụ thể, trong lúc một nhân viên đổ xăng, một nhân viên khác sẽ đứng áp sát khu vực bảng điện tử để quan sát, khi có cơ hội thuận tiện sẽ bấm thật nhanh cho đồng hồ chạy lên con số mà khách hàng muốn đổ.

Khách hàng khi nhìn thấy có đến 02 nhân viên tại một trạm thì cần cẩn thận đề phòng, chú ý quan sát.

7. Bấm cò.

Đây là chiêu thức thường được áp dụng đối với những khách hàng đổ xăng theo số tiền chẵn như 30.000 đồng, 40.000 đồng,…  Ví dụ khi khách hàng yêu cầu đổ 40.000 đồng thì khi đổ tới 20.000 đồng, nhân viên cây xăng chỉ cần bấm cò 02 lần thì bảng điện tử sẽ nhảy lên 40.000 đồng, ăn chặn của khách 20.000 đồng. Để tránh mánh khóe này, khách hàng nên đổ xăng theo lít hoặc đổ theo số tiền lẻ.

Khách hàng nên làm gì?

Khi bị gian lận đổ xăng tại các cây xăng, theo quy định tại Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010, để bảo vệ quyền lợi của mình, khách hàng có thể sử dụng những phương thức sau:

- Khiếu nại trực tiếp với nhân viên bán xăng, người quản lý, chủ đại lý phân phối xăng và yêu cầu bồi thường thiệt hại số lượng xăng bị thiếu;

- Khiếu nại hành vi gian lận và yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cấp huyện nơi có đại lý bán xăng gian lận để giải quyết.

- Khởi kiện đại lý bán xăng gian lận ra Tòa án nhân dân có thẩm quyền để bảo vệ quyền lợi của mình.

- Tố cáo đến cơ quan công an về hành vi gian lận của nhân viên bán xăng, người quản lý, chủ đại lý phân phối xăng trong trường hợp bị thiệt hại nghiêm trọng.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi về vấn đề lật tẩy cây xăng móc túi khách hàng để Quý Khách hàng tham khảo. Các vấn đề khác cần tham vấn, đề nghị Quý Khách hàng liên hệ với Luật Huy Thành qua Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 19006179 hoặc yêu cầu dịch vụ hỗ trợ pháp lý gọi 19006179 gặp Luật sư Nguyễn Văn Thành - Luật sư Giỏi tại Hà Nội.

Bạn tham khảo bài viết liên quan TẠI ĐÂY.

bttop