Theo quy định tại Luật NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2006, hoạt động dịch vụ đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài (hay còn gọi là XKLĐ) là ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Điều 6 Nghị định 38/2020/NĐ-CP quy định doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài phải có vốn pháp định không thấp hơn 05 tỷ Việt Nam đồng và một số điều kiện khác.
Hiện nay, qua việc quảng cáo của các công ty trên mạng xã hội hay những lời mời chào, hứa hẹn hấp dẫn, nhiều NLĐ dễ dàng tin tưởng và đóng một khoản phí lớn với mong muốn sớm được xuất cảnh ra nước ngoài làm việc.
(ảnh minh họa: các dấu hiệu nhận biết Công ty lừa đảo XKLĐ)
NLĐ cần chú ý một số dấu hiệu nhận biết công ty lừa đảo XKLĐ sau:
(1) Công ty không có địa chỉ rõ ràng, không có Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài.
Địa chỉ công ty không rõ ràng, bảng hiệu tạm bợ; địa chỉ một nơi nhưng khi nộp hồ sơ, phỏng vấn là một nơi khác là 1 trong những dấu hiệu mà NLĐ cần cẩn thận. Nhiều khi đây chỉ là những “công ty ma” được dựng lên để lừa đảo NLĐ, những người nhẹ dạ, với mong muốn đi nước ngoài làm việc.
Thông thường các công ty uy tín sẽ có địa chỉ văn phòng tiếp nhận, cũng như trung tâm đào tạo rõ ràng, đặt ở những toà nhà lớn, có đầy đủ biển hiệu,..
Hơn nữa, theo quy định, chỉ khi doanh nghiệp có Giấy phép thì mới được đưa NLĐ đi xuất khẩu. NLĐ hoàn toàn có thể dễ dàng tìm hiểu các thông tin của Công ty, trong đó có thông tin về Giấy phép hoạt động từ website của BLĐ-TBXH tại địa chỉ: http://dolab.gov.vn/ hoặc yêu cầu công ty cung cấp Giấy phép.
(2) Tiền ký quỹ vượt quá 3.000 USD.
NLĐ và doanh nghiệp dịch vụ thỏa thuận về việc ký quỹ theo ngành, nghề và nước tiếp nhận lao động.
Mức tiền ký quỹ không quá mức trần theo Thông tư 21/2013/TT-BLĐTBXH. Cụ thể, các thị trường lao động khác nhau sẽ có mức trần tiền ký quỹ khác nhau nhưng không vượt quá 3.000 USD đối với tất cả các thị trường lao động.
Trường hợp doanh nghiệp yêu cầu NLĐ ký quỹ vượt số tiền nêu trên thì NLĐ có quyền nghi ngờ và nên xem xét cẩn thận trước khi giao tiền cho doanh nghiệp.
(3) Hứa hẹn một công việc nhẹ nhàng với mức lương hấp dẫn.
XKLĐ là hình thức ra nước ngoài làm việc theo hợp đồng; NLĐ xuất khẩu thường là lao động phổ thông. Bởi vậy, việc đến một đất nước xa lạ để sinh sống, làm việc không phải là điều đơn giản.
Việc các công ty XKLĐ quảng cáo, tuyên truyền về một công việc nhẹ nhàng với mức lương hấp dẫn là điều rất khó tin. Các công ty thường áp dụng thủ đoạn này với những người nông dân hay người ở các tỉnh nghèo, người dân tộc,...
Với sự nhẹ dạ cả tin cùng với mong muốn nhanh chóng được xuất cảnh, lao động tìm kiếm thu nhập cho gia đình, nhiều người sẽ tin đó là thật mà tự nguyện xoay xở để nộp “phí”, trong khi công việc hay mức lương thực tế không được như vậy, thậm chí doanh nghiệp không có khả năng đưa người đi XKLĐ.
(4) Hợp đồng lao động mập mờ.
Để tự bảo vệ mình, trong bất cứ trường hợp nào, NLĐ cũng phải đọc thật kĩ nội dung hợp đồng, hỏi luôn những điều cảm thấy thắc mắc để được giải đáp hoặc yêu cầu bổ sung, làm rõ những điều khoản còn cảm thấy còn chung chung, mập mờ. Nếu cảm thấy không ổn, thực tập sinh nên từ chối ký hợp đồng...
V.v...
Trên đây chỉ là một số tiêu chí nhỏ để nhận diện doanh nghiệp XKLĐ có dấu hiệu lừa đảo hay không. Do đó, NLĐ nên tìm hiểu kỹ các thông tin liên quan đến doanh nghiệp, nước tiếp nhận, công việc phải thực hiện và mức lương được nhận để tránh tổn thất cho bản thân và gia đình.
Trên đây là các nội dung tư vấn về cách nhận biết công ty xuất khẩu lao động lừa đảo để bạn tham khảo. Các vấn đề khác cần tham vấn hoặc hỗ trợ pháp lý, đề nghị Quý Khách hàng liên hệ với Luật Huy Thành qua Tổng tài tư vấn pháp luật miễn phí 1900 6179 hoặc qua mobile để yêu cầu dịch vụ của Luật sư Nguyễn Văn Thành - Luật sư Giỏi tại Hà Nội.
Bạn tham khảo bài viết liên quan TẠI ĐÂY.