Cách xử lý hợp đồng kinh tế vô hiệu

06/10/2021

Luật sư cho tôi có văn bản pháp luật nào hướng dẫn cụ thể cách xử lý hợp đồng kinh tế vô hiệu không? Rất mong được Luật sư giải đáp.

Chào bạn về vấn đề xử lý hợp đồng kinh tế vô hiệu như thế nào mà bạn đang thắc mắc Luật Huy Thành xin đưa ra tư vấn cho bạn như sau:

Căn cứ Mục II Nghị quyết 04/2003/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật trong việc giải quyết các vụ án kinh tế có hướng dẫn việc xử lý hợp đồng kinh tế vô hiệu:

“Điểm a khoản 2 Điều 39 Pháp lệnh HĐKT quy định: "Các bên có nghĩa vụ hoàn trả cho nhau tất cả tài sản đã nhận được từ việc thực hiện hợp đồng. Trong trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì phải trả bằng tiền, nếu tài sản đó không bị tịch thu theo quy định của pháp luật". Khi áp dụng quy định này cần phân biệt như sau:

1. Đối với tài sản là động sản

a. Hoàn trả được tài sản đã nhận là trường hợp bên đã nhận được tài sản từ việc thực hiện hợp đồng kinh tế chưa khai thác, sử dụng và vẫn bảo quản giữ nguyên được chất lượng, chức năng, công dụng của tài sản đó. Không chấp nhận việc hoàn trả tài sản tuy đúng chủng loại, chất lượng, chức năng, công dụng nhưng không phải chính là tài sản đã nhận được từ việc thực hiện hợp đồng kinh tế đó, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác không trái pháp luật.

(ảnh minh họa: cách xử lý hợp đồng kinh tế vô hiệu)

b. Không thể hoàn trả được tài sản đã nhận bằng hiện vật khi tài sản đã nhận được từ việc thực hiện hợp đồng kinh tế thuộc một trong các trường hợp sau đây:

b.1. Đã được đưa vào khai thác, sử dụng;

b.2. Đã bị mất mát, hư hỏng;

b.3. Đã được chuyển giao cho người khác và đã được đưa vào khai thác, sử dụng hoặc bị mất mát, hư hỏng hoặc quá thời hạn sử dụng;

b.4. Không còn giữ được chất lượng, chức năng, công dụng của tài sản mà do lỗi của bên nhận tài sản (ví dụ: người nhận được tài sản không bảo quản theo đúng quy định);

b.5. Đã bị mất mát một hoặc một số bộ phận nào đó của tài sản mà không thể khôi phục lại được theo nguyên trạng khi nhận.

c. Trong trường hợp không thể hoàn trả được tài sản đã nhận bằng hiện vật được hướng dẫn tại điểm b mục 1 này thì bên nhận tài sản chỉ phải thanh toán bằng tiền cho bên giao tài sản theo giá đã được các bên thoả thuận, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác không trái pháp luật.

d. Trong trường hợp hoàn trả tài sản là ngoại tệ đã nhận thì bên nhận ngoại tệ phải hoàn trả cho bên giao số ngoại tệ đã nhận được quy đổi ra tiền Đồng Việt Nam theo tỷ giá mua vào của ngoại tệ với Đồng Việt Nam do Ngân hàng Nhà nước công bố tại thời điểm nhận ngoại tệ đã được các bên thoả thuận mà không có tính lãi, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác không trái pháp luật.

2. Đối với tài sản là bất động sản hoặc quyền sử dụng đất

Về nguyên tắc chung, việc xử lý tài sản là bất động sản hoặc quyền sử dụng đất là buộc bên đã nhận được tài sản từ việc thực hiện hợp đồng kinh tế phải hoàn trả cho bên giao tài sản.

Trong trường hợp bên đã nhận được tài sản đã tháo dỡ, sửa chữa, làm thêm mới, đầu tư làm tăng giá trị của tài sản đó, thì tuỳ từng trường hợp cụ thể mà buộc phải khôi phục lại tình trạng ban đầu, tháo dỡ hoặc thanh toán tiền cho nhau, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác không trái pháp luật.

3. Trách nhiệm chịu thiệt hại do hợp đồng kinh tế bị coi là vô hiệu toàn bộ

Theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 39 Pháp lệnh HĐKT thì trong trường hợp hợp đồng kinh tế bị coi là vô hiệu toàn bộ, thiệt hại phát sinh các bên phải chịu mà không xem xét đến mức độ lỗi của các bên.”

Trên đây là tư vấn của chúng tôi về vấn đề xử lý hợp đồng kinh tế vô hiệu để Quý Khách hàng tham khảo. Các vấn đề khác cần tham vấn, đề nghị Quý Khách hàng liên hệ với Luật Huy Thành qua Tổng đài tư vấn miễn phí 1900 6179 hoặc qua Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 19006179 gặp Luật sư Nguyễn Văn Thành - Luật sư Giỏi tại Hà Nội.

Bạn tham khảo bài viết liên quan TẠI ĐÂY.

bttop