Chồng vay tiền không trả, vợ có phải trả thay?

29/08/2019

Chồng vay tiền không trả, vợ có phải trả thay không? Đây là thắc mắc của rất nhiều người đang rơi vào tình trạng chồng hoặc vợ vay tiền nhưng không trả và bị chủ nợ bắt người còn lại phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ thay.

Nội dung sự việc:

Tôi và chồng tôi kết hôn năm 2015, đến nay đã có 01 người con chung 3 tuổi. Trong thời gian qua hai vợ chồng vẫn làm ăn, nuôi dưỡng con cái bình thường. Tháng 1/2019, anh ấy bảo đi vào Nam làm ăn. Sau khi anh đi được 15 ngày thì có một nhóm người lạ tới nhà tôi, trông rất dữ tợn. Họ đưa ra một Giấy vay tiền viết tay với nội dung chồng tôi vay 300 triệu, thời hạn vay từ tháng 01/2018 đến tháng 01/2019 và yêu cầu tôi trả nợ.

Tôi đã trình bày rõ nội dung là tôi không biết đến khoản vay này và không thể liên lạc được với chồng tôi thì họ nói cho tôi thời hạn 1 tuần chuẩn bị trả cả gốc và lãi, nếu không họ sẽ lấy hết tài sản của gia đình tôi, đe dọa gây hại cho mẹ con tôi.

Hiện giờ tôi đang rất hoang mang và mong muốn Luật sư tư vấn cho tôi hướng giải quyết tốt nhất, thực tế tôi không hề biết đến khoản vay này, tôi không biết chồng tôi vay khi nào và dùng vào mục đích gì.

Luật sư trả lời:

Thứ nhất, xét về Giấy vay tiền viết tay:

Chị cần phải xác định được Giấy vay tiền là do chính chồng chị ký vay, tránh trường hợp bị kẻ xấu lợi dụng chồng chị vắng mặt, không liên lạc được nên lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Khi xác định trên Giấy vay tiền chính xác là chữ ký của chồng chị thì cần xác định cụ thể đó là khoản vay chung của hai vợ chồng hay là khoản vay riêng của chồng chị.

Điều 37 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, quy định vợ, chồng có các nghĩa vụ chung về tài sản sau :

(1) Nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do vợ chồng cùng thỏa thuận xác lập, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại mà theo quy định của pháp luật vợ chồng cùng phải chịu trách nhiệm;

(2) Nghĩa vụ do vợ hoặc chồng thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình;

(3) Nghĩa vụ phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung;

(4) Nghĩa vụ phát sinh từ việc sử dụng tài sản riêng để duy trì, phát triển khối tài sản chung hoặc để tạo ra nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình;

(5) Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do con gây ra mà theo quy định của Bộ luật dân sự thì cha mẹ phải bồi thường;

(6) Nghĩa vụ khác theo quy định của các luật có liên quan.

Với quy định nói trên, nếu chồng chị vay tiền mà không nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình (nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của mỗi gia đình) và cũng không thuộc một trong các trường hợp quy định nêu trên thì chị không có nghĩa vụ phải cùng chồng hoặc thay chồng trả tiền cho bên chủ nợ.

Về lãi suất, hoạt động vay nợ tín dụng đen thường với mức lãi suất rất cao, gấp nhiều lần mức trần lãi suất mà pháp luật quy định đối với hoạt động vay nợ nên các giao dịch vay nợ này không được pháp luật công nhận (bị vô hiệu). Theo đó, bên vay không có nghĩa vụ phải trả phần lãi mà hai bên đã thỏa thuận.

(Ảnh minh họa: chồng vay tiền không trả, vợ có phải trả thay?)

Thứ hai, khi các đối tượng cho vay gây áp lực, đe dọa xâm phạm đến mẹ con chị:

Trường hợp chủ nợ gây áp lực, đe dọa để buộc chị phải trả nợ thì chị có thể làm một số việc sau để bảo vệ gia đình mình:

- Làm ngay đơn trình báo, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của chủ nợ gửi cơ quan công an nơi bạn cư trú để có biện pháp ngăn chặn;

- Nếu các con bạn còn nhỏ thì có thể thể cho các cháu tạm lánh về nhà người thân trong khoảng thời gian nhất định;

- Chủ động thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn như: lắp camera, xin hỗ trợ của người thân, lưu số điện thoại của cơ quan công an để kịp thời trình báo,...

Thứ ba, đối với trách nhiệm của chồng khi vay nợ đến hạn trả mà lại bỏ trốn:

Chồng chị vay tiền của bất cứ cá nhân, tổ chức nào mà có căn cứ như Giấy vay tiền hoặc Hợp đồng vay tiền có giá trị pháp lý mà khi đến hạn không trả, lại thực hiện hành vi bỏ trốn thì có thể bị tố cáo với hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Trên đây là các nội dung tư vấn về vấn đề chồng vay tiền không trả, vợ có phải trả thay để Quý khách hàng tham khảo. Các vấn đề khác cần tham vấn, đề nghị Quý Khách hàng liên hệ với Luật Huy Thành qua Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 19006179 hoặc yêu cầu dịch vụ hỗ trợ pháp lý gọi 19006179 gặp Luật sư Nguyễn Văn Thành - Luật sư Giỏi tại Hà Nội.

Bạn tham khảo bài viết liên quan TẠI ĐÂY.

bttop