Con vay tiền rồi bỏ trốn, bố mẹ có phải trả nợ thay không?

17/08/2020

Con tôi năm nay 25 tuổi, có vay của anh A số tiền là 300 triệu đồng trong thời hạn 1 năm để làm ăn. Sau đó, do không có khả năng chi trả nên con tôi đã bỏ trốn. Anh A đã đến nhà và yêu cầu vợ chồng tôi thực hiện nghĩa vụ trả nợ thay con. Vậy, Luật sư cho tôi hỏi con vay tiền rồi bỏ trốn, bố mẹ có phải trả nợ thay không?

Trong thực tế, có rất nhiều trường hợp con cái vay tiền mà không có khả năng trả nợ. Khi đó, chủ nợ sẽ thường tìm đến bố mẹ người vay và yêu cầu bố mẹ phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ thay con. Vậy chủ nợ yêu cầu như vậy có đúng quy định của pháp luật không?

Theo quy định của pháp luật, hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.

Nếu các bên thỏa thuận vay có lãi thì lãi suất không được quá 20%/năm của khoản tiền vay.

Như vậy, dù có thỏa thuận lãi suất hay không thì nghĩa vụ của người đi vay cũng phải trả nợ gốc và lãi suất (nếu có) đúng thời hạn theo thỏa thuận.

Trong trường hợp người con vay tiền nhưng không trả được, bố mẹ có nghĩa vụ trả nợ thay con trong các trường hợp sau:

Trường hợp 1: Bố mẹ tự nguyện trả nợ thay con.

Theo quy định tại Điều 21 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về người chưa thành niên như sau:

- Giao dịch dân sự của người chưa đủ sáu tuổi do người đại diện theo pháp luật của người đó xác lập, thực hiện.

- Người từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười lăm tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch dân sự phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi.

- Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, trừ giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch dân sự khác theo quy định của luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý.

- Người từ đủ 18 tuổi trở lên: Là người thành niên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp bị mất, hạn chế năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi. Khi đó, người này có thể  tự mình xác lập, thực hiện và tự chịu trách nhiệm khi thực hiện giao dịch đó.

(ảnh minh họa: con vay tiền rồi bỏ trốn, bố mẹ có phải trả nợ thay không)

Căn cứ vào các quy định trên có thể khẳng định, nếu con đã đủ 15 tuổi trở lên vay tiền thì bố mẹ không có nghĩa vụ trả nợ thay, nghĩa vụ này thuộc về người con, trừ khi bố mẹ tự nguyện trả nợ thay con.

Trường hợp 2: Khi bố mẹ là người bảo lãnh cho khoản vay của con.

Trong trường hợp bố mẹ bảo lãnh cho con khi con xác lập, thực hiện giao dịch mà pháp luật quy định con được tự mình thực hiện.

Theo quy định của pháp luật dân sự thì “bảo lãnh là việc người thứ ba (sau đây gọi là bên bảo lãnh) cam kết với bên có quyền (sau đây gọi là bên nhận bảo lãnh) sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ (sau đây gọi là bên được bảo lãnh), nếu khi đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ”.

Trường hợp bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thì bên bảo lãnh phải thực hiện nghĩa vụ đó.

Như vậy, nếu bố mẹ bảo lãnh cho khoản vay của con mà khi đến thời hạn thỏa thuận, người con không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thì bố mẹ phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ thay.

Trường hợp 3: Bố mẹ trả nợ thay nếu nhận di sản thừa kế từ con.

Điều 615 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại:

“1. Những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

2. Trường hợp di sản chưa được chia thì nghĩa vụ tài sản do người chết để lại được người quản lý di sản thực hiện theo thỏa thuận của những người thừa kế trong phạm vi di sản do người chết để lại.

3. Trường hợp di sản đã được chia thì mỗi người thừa kế thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại tương ứng nhưng không vượt quá phần tài sản mà mình đã nhận, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

4. Trường hợp người thừa kế không phải là cá nhân hưởng di sản theo di chúc thì cũng phải thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại như người thừa kế là cá nhân”.

Khi người để lại di sản qua đời, những người hưởng di sản thừa kế của người này phải thực hiện nghĩa vụ tài sản mà người chết để lại. Nghĩa là khi người vay tiền chết thì những người hưởng di sản theo di chúc hoặc các hàng thừa kế theo pháp luật phải có trách nhiệm trả nợ thay.

Như vậy, nếu bố mẹ là người được hưởng di sản từ con thì phải có trách nhiệm trả khoản nợ mà khi còn sống con đã vay. Lúc này, bố mẹ sẽ dùng chính tài sản trong phạm vi giá trị di sản được nhận thừa kế để trả nợ.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi về vấn đề bố mẹ có phải trả nợ thay cho con không để Quý Khách hàng tham khảo. Các vấn đề khác cần tham vấn, đề nghị Quý Khách hàng liên hệ với Luật Huy Thành qua Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 19006179 hoặc yêu cầu dịch vụ hỗ trợ pháp lý gọi 19006179 gặp Luật sư Nguyễn Văn Thành - Luật sư Giỏi tại Hà Nội.

Bạn tham khảo bài viết liên quan TẠI ĐÂY.

bttop