Công an có được gọi điện triệu tập người dân không?

30/01/2024

Cháu tôi có liên quan tới một vụ đánh nhau với một nhóm bạn. Trước đây mấy hôm công an gửi giấy triệu tập, theo đó cháu tôi đã lên trụ sở cơ quan công an để làm việc và lấy lời khai. Tuy nhiên hôm nay có một cuộc điện thoại tự xưng là công an và yêu cầu cháu tôi lên trụ sở để làm việc tiếp. Vậy theo quy định pháp luật hiện nay công an có được gọi điện triệu tập người dân không? Nếu gọi điện thì cháu tôi có phải lên làm việc tại cơ quan công an không? Tôi cảm ơn Luật sư.

Chào bạn về vấn đề Công an có được triệu tập qua điện thoại, tin nhắn? mà bạn đang thắc mắc Luật Huy Thành xin đưa ra tư vấn cho bạn như sau:

Căn cứ điểm d khoản 1 Điều 37 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 quy định về Nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Điều tra viên như sau:

“1. Điều tra viên được phân công tiến hành hoạt động khởi tố, điều tra vụ án hình sự có những nhiệm vụ, quyền hạn:

...

d) Triệu tập và hỏi cung bị can; triệu tập và lấy lời khai người tố giác, báo tin về tội phạm, người bị tố giác, kiến nghị khởi tố, người đại diện theo pháp luật của pháp nhân; lấy lời khai người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ; triệu tập và lấy lời khai của người làm chứng, bị hại, đương sự;

...”

Mục 1.4 Điều 1 Thông tư số 01/2006/TT-BCA quy định về việc triệu tập và hỏi cung bị can; triệu tập và lấy lời khai người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án; lấy lời khai người bị tạm giữ như sau:

“1.4. Giấy triệu tập là biểu mẫu tố tụng hình sự được sử dụng trong hoạt động tố tụng hình sự nên chỉ Cơ quan điều tra hoặc Cơ quan khác trong Công an nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra mới được sử dụng. Việc sử dụng giấy triệu tập phải đúng mục đích, đúng đối tượng, đúng trình tự, thủ tục mà Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 đã quy định. Giấy triệu tập bị can tại ngoại; giấy triệu tập hoặc giấy mời người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án đến Cơ quan điều tra để làm việc chỉ có giá trị làm việc trong một lần.

Nghiêm cấm lợi dụng việc sử dụng giấy triệu tập để giải quyết các việc không đúng mục đích, đối tượng, chức năng, thẩm quyền như lợi dụng việc ký, sử dụng giấy triệu tập gọi hỏi nhiều lần về các vấn đề không quan trọng, không liên quan đến vụ án hoặc hỏi đi hỏi lại về một vấn đề mà họ đã trình bày, v.v... làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các cơ quan, tổ chức, làm mất uy tín cửa cơ quan, tổ chức, cá nhân. Nghiêm cấm Điều tra viên gọi điện thoại hoặc thông qua người khác để yêu cầu người được triệu tập đến làm việc mà không có giấy triệu tập hoặc giấy mời. Trước khi triệu tập hoặc mời thì Điều tra viên phải tính toán về thời gian, về việc đi lại của người được triệu tập để tránh gây phiền hà về thời gian hoặc đi lại nhiều lần của người được triệu tập hoặc được mời. Nếu người được triệu tập hoặc được mời ở quá xa trụ sở của Cơ quan điều tra thì có thể triệu tập hoặc mời họ đến trụ sở Công an nơi ở hoặc nơi làm việc của họ để lấy lời khai hoặc báo cáo đề xuất Thủ trưởng hoặc Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra được phân công chỉ đạo điều tra vụ án thực hiện việc ủy thác điều tra.”

Như vậy, theo quy định này thì cơ quan điều tra không được gọi điện hoặc thông qua người khác để yêu cầu cháu của bạn đến làm việc mà không có giấy triệu tập hoặc giấy mời. Trong trường hợp này, cháu của bạn không cần phải đến trụ sở của cơ quan điều tra để làm việc cho đến khi nhận được giấy triệu tập hợp lệ.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi về vấn đề Công an có được gọi điện để triệu tập người dân lên làm việc không? để Quý Khách hàng tham khảo. Các vấn đề khác cần tham vấn, đề nghị Quý Khách hàng liên hệ với Luật Huy Thành qua Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 19006179 hoặc yêu cầu dịch vụ hỗ trợ pháp lý gọi 19006179 gặp Luật sư Nguyễn Văn Thành – Luật sư Giỏi tại Hà Nội.

Bạn tham khảo bài viết liên quan TẠI ĐÂY.

bttop