Đối tượng cho vay nặng lãi ném chất bẩn vào nhà để đòi nợ thì bị xử lý thế nào?

18/05/2023

Chào luật sư, em trai tôi có vay của bên cho vay nặng lãi, với mức tiền là 30 triệu đồng và lãi hàng tháng là 4 triệu đồng. Bên cho vay nặng lãi đã đến và ném mắm tôm, dầu nhớt vào nhà tôi để đòi nợ. Vậy cho tôi hỏi Đối tượng cho vay nặng lãi ném chất bẩn vào nhà để đòi nợ thì bị xử lý thế nào? Cảm ơn luật sư.

Chào bạn về vấn đề xử lý hành vi ném chất bẩn để đòi nợ của đối tượng cho vay nặng lãi mà bạn đang thắc mắc. Tổng đài tư vấn miễn phí Luật Huy Thành xin được tư vấn cho bạn như sau:

Theo quy định Điều 468 Bộ luật dân sự 2015 quy định về lãi suất vay như sau:

“1. Lãi suất vay do các bên thỏa thuận.

Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác…

Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.”

Như vậy, lãi suất cho vay tối đa một tháng sẽ là 20% : 12 tháng =1,67%/tháng.

Theo quy định tại Điều 201 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự như sau:

“1. Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

(Ảnh minh họa: Đối tượng cho vay nặng lãi ném chất bẩn vào nhà để đòi nợ thì bị xử lý thế nào?)

2. Phạm tội mà thu lợi bất chính 100.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”

Như vậy, khi mức lãi suất cao hơn lãi suất cao nhất pháp luật quy định 5 lần trở lên thì cầu thành tội cho vay nặng lãi theo pháp luật hình sự. Chủ nợ cho em bạn vay lãi với hành vi cho vay với mức lãi suất gấp 8 lần mức lãi suất cao nhất pháp luật quy định nên có thể sẽ bị xử lý về hành vi cho vay lãi nặng nếu từng bị xử phạt hành chính hoặc thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng trở lên.

Ngoài ra, theo Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về việc xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về trật tự công cộng như sau:

“4. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

e) Đổ, ném chất thải, chất bẩn, hóa chất, gạch, đất, đá, cát hoặc vật khác vào nhà ở, nơi ở, vào người, đồ vật, tài sản của người khác, vào trụ sở cơ quan, tổ chức, nơi làm việc, nơi sản xuất, kinh doanh, mục tiêu, vọng gác bảo vệ mục tiêu;…”

Như vậy, hành vi ném mắm tôm, sơn, rác vào nhà là hành vi vi phạm pháp luật. Người có hành vi này có thể bị xử phạt hành chính từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng. Do đó, để có căn cứ tố cáo những người này bạn phải có ghi âm, ghi hình, giấy vay nợ ... để chứng minh có hành vi nêu trên của chủ nợ.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi về vấn đề Đối tượng cho vay nặng lãi ném chất bẩn vào nhà để đòi nợ bị phạt thế nào? để Quý Khách hàng tham khảo. Các vấn đề khác cần tham vấn, đề nghị Quý Khách hàng liên hệ với Luật Huy Thành qua Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 19006179 hoặc yêu cầu dịch vụ hỗ trợ pháp lý gọi 19006179 gặp Luật sư Nguyễn Văn Thành – Luật sư Giỏi tại Hà Nội.

Bạn tham khảo bài viết liên quan TẠI ĐÂY.

bttop