Căn cứ Điều 20 Quyết định 08/2016/QĐ-KTNN quy trình kiểm toán của kiểm toán nhà nước có quy định về lập dự thảo báo cáo kiểm toán nhà nước như sau:
“1. Tập hợp các bằng chứng kiểm toán, kết quả kiểm toán
Trưởng đoàn có trách nhiệm tập hợp đầy đủ các bằng chứng kiểm toán thích hợp và kết quả kiểm toán để lập dự thảo báo cáo kiểm toán theo quy định của Kiểm toán nhà nước.
Ngoài ra, Kiểm toán viên nhà nước còn phải hệ thống, tập hợp đầy đủ các văn bản pháp luật có liên quan làm căn cứ pháp lý cho các ý kiến kiểm toán; các tài liệu cần thiết khác có liên quan đến cuộc kiểm toán.
2. Kiểm tra, phân loại, tổng hợp kết quả kiểm toán
Trưởng đoàn phải kiểm tra, rà soát tính hợp pháp, hợp lệ của bằng chứng kiểm toán, kết quả kiểm toán.
Phân loại và tổng hợp bằng chứng kiểm toán, kết quả kiểm toán theo tiêu chí phù hợp với từng lĩnh vực kiểm toán, phù hợp với các nội dung, biểu mẫu báo cáo kiểm toán theo quy định của Kiểm toán nhà nước.
Trường hợp không thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp để kết luận về nội dung kiểm toán và lập dự thảo báo cáo kiểm toán thì Đoàn kiểm toán phải đề xuất tiến hành bổ sung một số thủ tục kiểm toán tiếp theo, hoặc lựa chọn việc đưa ra ý kiến kiểm toán thích hợp về nội dung kiểm toán đó theo quy định tại CMKTNN 1700 - Hình thành ý kiến kiểm toán và báo cáo kiểm toán trong kiểm toán tài chính; CMKTNN 1705 - Ý kiến không phải là ý kiến chấp nhận toàn phần trong báo cáo kiểm toán tài chính; Đoạn 80 đến Đoạn 84 CMKTNN 3000 - Hướng dẫn kiểm toán hoạt động; Đoạn 58 đến Đoạn 61 CMKTNN 4000 - Hướng dẫn kiểm toán tuân thủ.
(ảnh minh họa: lập dự thảo báo cáo kiểm toán)
3. Lập dự thảo báo cáo kiểm toán
Trên cơ sở kết quả tổng hợp tình hình, số liệu kiểm toán, Trưởng đoàn lập dự thảo báo cáo kiểm toán.
Báo cáo kiểm toán phải bảo đảm các yêu cầu chung quy định tại Hệ thống chuẩn mực Kiểm toán nhà nước và theo mẫu quy định của Tổng Kiểm toán nhà nước. Báo cáo kiểm toán thường gồm những nội dung cơ bản sau:
a) Thông tin về đơn vị được kiểm toán; trong đó có nội dung về “Trách nhiệm của đơn vị được kiểm toán”.
b) Khái quát về cuộc kiểm toán; cơ sở lập báo cáo kiểm toán, căn cứ hình thành ý kiến kiểm toán (bao gồm cả tiêu chí kiểm toán), trong đó có đoạn nêu trách nhiệm của Kiểm toán viên nhà nước; nêu rõ rằng công việc kiểm toán đã được tiến hành theo các CMKTNN.
c) Ý kiến kiểm toán; các vấn đề cần nhấn mạnh và các vấn đề khác (nếu có).
d) Các kết luận, kiến nghị và các nội dung khác (nếu có).
đ) Các thuyết minh, phụ biểu (nếu có).
e) Các nội dung theo thể thức văn bản: chữ ký, đóng dấu, ngày ký báo cáo kiểm toán thực hiện theo quy định.
Lập dự thảo báo cáo kiểm toán phải xem xét mục tiêu và loại hình kiểm toán áp dụng của cuộc kiểm toán để lựa chọn tuân thủ các nội dung hướng dẫn về lập báo cáo kiểm toán đã được quy định tại Hệ thống CMKTNN một cách phù hợp, như: CMKTNN 1700 - Hình thành ý kiến kiểm toán và báo cáo kiểm toán trong kiểm toán tài chính; CMKTNN 1705 - Ý kiến kiểm toán không phải ý kiến chấp nhận toàn phần trong báo cáo kiểm toán tài chính; CMKTNN 1706 - Đoạn “Vấn đề cấn nhấn mạnh” và “Vấn đề khác” trong báo cáo kiểm toán tài chính; CMKTNN 1710 - Thông tin so sánh - Dữ liệu tương ứng và báo cáo tài chính so sánh, trách nhiệm của kiểm toán viên nhà nước liên quan đến các thông tin khác trong kiểm toán tài chính; CMKTNN 1800 - Lưu ý khi kiểm toán báo cáo tài chính được lập theo khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính cho mục đích đặc biệt; CMKTNN 1805 - Lưu ý khi kiểm toán báo cáo tài chính riêng lẻ và khi kiểm toán các yếu tố, tài khoản hoặc khoản mục cụ thể của báo cáo tài chính; CMKTNN 1600 - Lưu ý khi kiểm toán báo cáo tài chính tập đoàn; Đoạn 88 đến Đoạn 111 CMKTNN 3000 - Hướng dẫn kiểm toán hoạt động; Đoạn 67 đến Đoạn 88 CMKTNN 4000 - Hướng dẫn kiểm toán tuân thủ.
4. Thảo luận, lấy ý kiến thành viên Đoàn kiểm toán
Trưởng đoàn tổ chức thảo luận trong Đoàn kiểm toán để lấy ý kiến tham gia của các thành viên Đoàn kiểm toán về đánh giá, nhận xét, kết luận và kiến nghị trong dự thảo báo cáo kiểm toán; xem xét, tiếp thu các ý kiến đóng góp của các thành viên trong Đoàn kiểm toán, hoàn chỉnh dự thảo báo cáo kiểm toán để trình Kiểm toán trưởng xét duyệt.
Việc thảo luận trong Đoàn kiểm toán về dự thảo báo cáo kiểm toán phải được lập thành biên bản theo mẫu quy định của Tổng Kiểm toán nhà nước. Trong trường hợp còn có các ý kiến khác với ý kiến kết luận của Trưởng đoàn thì Kiểm toán viên nhà nước được quyền bảo lưu ý kiến theo Quy chế tổ chức và hoạt động của Đoàn kiểm toán nhà nước.”
Trên đây là tư vấn của chúng tôi về vấn đề quy định pháp luật về lập dự thảo báo cáo kiểm toán để Quý Khách hàng tham khảo. Các vấn đề khác cần tham vấn, đề nghị Quý Khách hàng liên hệ với Luật Huy Thành qua Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 19006179 hoặc yêu cầu dịch vụ hỗ trợ pháp lý gọi 19006179 gặp Luật sư Nguyễn Văn Thành - Luật sư Giỏi tại Hà Nội.
Bạn tham khảo bài viết liên quan TẠI ĐÂY.