Người lao động được tạm ứng tiền lương trong trường hợp nào?

24/05/2024

Chào luật sư, tôi đang làm việc tại một công ty, hiện tại do có công việc gấp nên tôi muốn được tạm ứng tiền lương để xử lý. Luật sư cho tôi hỏi người lao động được tạm ứng tiền lương trong trường hợp nào? Cảm ơn luật sư.

Chào bạn, về vấn đề Trường hợp nào người lao động được tạm ứng tiền lương? mà bạn đang thắc mắc, Tổng đài tư vấn miễn phí Luật Huy Thành xin được tư vấn cho bạn như sau:

Điều 101 Bộ luật Lao động 2019 quy định về tạm ứng tiền lương như sau:

“1. Người lao động được tạm ứng tiền lương theo điều kiện do hai bên thỏa thuận và không bị tính lãi.

2. Người sử dụng lao động phải cho người lao động tạm ứng tiền lương tương ứng với số ngày người lao động tạm thời nghỉ việc để thực hiện nghĩa vụ công dân từ 01 tuần trở lên nhưng tối đa không quá 01 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động và người lao động phải hoàn trả số tiền đã tạm ứng.

Người lao động nhập ngũ theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự thì không được tạm ứng tiền lương.

3. Khi nghỉ hằng năm, người lao động được tạm ứng một khoản tiền ít nhất bằng tiền lương của những ngày nghỉ.”

Khoản 2 Điều 128 Bộ luật Lao động 2019 quy định về tạm đình chỉ công việc như sau:

“2. Thời hạn tạm đình chỉ công việc không được quá 15 ngày, trường hợp đặc biệt không được quá 90 ngày. Trong thời gian bị tạm đình chỉ công việc, người lao động được tạm ứng 50% tiền lương trước khi bị đình chỉ công việc.

Hết thời hạn tạm đình chỉ công việc, người sử dụng lao động phải nhận người lao động trở lại làm việc.”

Khoản 3 Điều 97 Bộ luật Lao động 2019 quy định về kỳ hạn trả lương như sau:

“3. Người lao động hưởng lương theo sản phẩm, theo khoán được trả lương theo thỏa thuận của hai bên; nếu công việc phải làm trong nhiều tháng thì hằng tháng được tạm ứng tiền lương theo khối lượng công việc đã làm trong tháng.”

Điều 114 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 quy định về các biện pháp khẩn cấp tạm thời như sau:

“4. Buộc người sử dụng lao động tạm ứng tiền lương, tiền bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, chi phí cứu chữa tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp, tiền bồi thường, trợ cấp tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp cho người lao động.…”

Khoản 1 Điều 111 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 quy định về quyền yêu cầu áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời như sau:

“1. Trong quá trình giải quyết vụ án, đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện vụ án quy định tại Điều 187 của Bộ luật này có quyền yêu cầu Tòa án đang giải quyết vụ án đó áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại Điều 114 của Bộ luật này để tạm thời giải quyết yêu cầu cấp bách của đương sự, bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, thu thập chứng cứ, bảo vệ chứng cứ, bảo toàn tình trạng hiện có tránh gây thiệt hại không thể khắc phục được, đảm bảo cho việc giải quyết vụ án hoặc việc thi hành án.”

Như vậy, người lao động được tạm ứng tiền lương trong 06 trường hợp sau:

(1) Theo thỏa thuận với người sử dụng lao động,

(2) Người lao động hưởng lương theo sản phẩm, theo khoán nếu công việc phải làm trong nhiều tháng;

(3) Người lao động tạm thời nghỉ việc để thực hiện nghĩa vụ công dân từ 01 tuần trở lên;

(4) Người lao động nghỉ hằng năm;

(5) Người lao động bị tạm đình chỉ công việc.

(6) Trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động.

Ngoài trường hợp tạm ứng tiền lương do thỏa thuận thì 5 trường hợp còn lại, người sử dụng lao động bắt buộc phải tạm ứng tiền lương cho người lao động.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi về vấn đề Những trường hợp người lao động được tạm ứng tiền lương để Quý Khách hàng tham khảo. Các vấn đề khác cần tham vấn, đề nghị Quý Khách hàng liên hệ với Luật Huy Thành qua Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 19006179 hoặc yêu cầu dịch vụ hỗ trợ pháp lý gọi 19006179 gặp Luật sư Nguyễn Văn Thành - Luật sư Giỏi tại Hà Nội.

Bạn tham khảo bài viết liên quan TẠI ĐÂY.

bttop