Quản lý quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp

19/08/2019

Việc quản lý quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp được quy định như thế nào theo pháp luật hiện hành?

Căn cứ Điều 11 Nghị định 95/2014/NĐ-CP quy định về đầu tư và cơ chế tài chính hoạt động khoa học và công nghệ có quy định quản lý quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp như sau:

“1. Hàng năm doanh nghiệp phải lập báo cáo việc trích, sử dụng Quỹ, gửi đến cho cơ quan thuế nơi doanh nghiệp đăng ký nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, Sở Khoa học và Công nghệ và Sở Tài chính. Thời hạn nộp cùng thời điểm nộp báo cáo quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp.

2. Doanh nghiệp có thể điều chuyển nguồn giữa các quỹ phát triển khoa học và công nghệ theo các hình thức sau:

a) Giữa tổng công ty với các doanh nghiệp thành viên và ngược lại;

b) Giữa công ty mẹ với công ty con và ngược lại.

3. Việc điều chuyển và tỷ lệ điều chuyển nguồn giữa các quỹ phát triển khoa học và công nghệ của tổng công ty, công ty mẹ với các quỹ phát triển khoa học và công nghệ của các doanh nghiệp thành viên, công ty con và ngược lại do chủ tịch hội đồng quản trị, chủ tịch hội đồng thành viên hoặc tổng giám đốc, giám đốc (người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp) quyết định trên cơ sở tỷ lệ trích Quỹ theo quy định tại điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ, nhu cầu đầu tư cho hoạt động khoa học và công nghệ tại các doanh nghiệp thành viên và nhu cầu, kế hoạch phát triển khoa học và công nghệ của toàn hệ thống.

(ảnh minh họa: quản lý quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp)

4. Các doanh nghiệp có sự điều chuyển nguồn giữa các Quỹ theo các hình thức quy định tại Khoản 2 Điều này phải báo cáo tình hình nhận điều chuyển và sử dụng số tiền Quỹ được điều chuyển với cơ quan thuế trực tiếp quản lý đơn vị, Sở Tài chính và Sở Khoa học và Công nghệ nơi đăng ký kinh doanh.

5. Trường hợp doanh nghiệp chưa có nhu cầu sử dụng hoặc sử dụng không hết quỹ phát triển khoa học và công nghệ:

a) Doanh nghiệp nhà nước phải nộp về Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia hoặc quỹ phát triển khoa học và công nghệ của các bộ chủ quản, tỉnh, thành phố.

Các doanh nghiệp còn lại được quyền đóng góp vào các quỹ phát triển khoa học và công nghệ của tỉnh, thành phố nơi doanh nghiệp đăng ký nộp thuế;

b) Trường hợp không đóng góp vào các quỹ của nhà nước thì trong thời hạn 5 năm, kể từ năm kế tiếp năm trích lập, nếu quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp ngoài nhà nước không được sử dụng, hoặc sử dụng không hết hoặc sử dụng không đúng mục đích thì doanh nghiệp phải nộp ngân sách nhà nước phần thuế thu nhập doanh nghiệp tính trên khoản thu nhập đã trích lập quỹ mà không sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích và phần lãi phát sinh từ số thuế thu nhập doanh nghiệp đó.

6. Các doanh nghiệp đã đóng góp vào quỹ phát triển khoa học và công nghệ tại Điểm a Khoản 5 Điều này khi có nhiệm vụ khoa học và công nghệ cần sử dụng kinh phí có quyền yêu cầu hỗ trợ từ quỹ phát triển khoa học và công nghệ.

Quỹ phát triển khoa học và công nghệ nơi đã nhận điều chuyển có trách nhiệm hỗ trợ bằng số kinh phí đã điều chuyển và ưu tiên hỗ trợ thêm trong khả năng đáp ứng của quỹ theo dự toán của nhiệm vụ khoa học và công nghệ.

7. Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn chi tiết Điều 10 và Điều 11 Nghị định này.”

Trên đây là tư vấn của chúng tôi về vấn đề quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp được quản lý như thế nào để Quý Khách hàng tham khảo. Các vấn đề khác cần tham vấn, đề nghị Quý Khách hàng liên hệ với Luật Huy Thành qua Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 19006179 hoặc yêu cầu dịch vụ hỗ trợ pháp lý gọi 19006179 gặp Luật sư Nguyễn Văn Thành - Luật sư Giỏi tại Hà Nội.

Bạn tham khảo bài viết liên quan TẠI ĐÂY.

bttop