THỜI GIỜ LÀM VIỆC ĐỐI VỚI NGƯỜI LAO ĐỘNG LÀM TRONG LĨNH VỰC THĂM DÒ, KHAI THÁC DẦU KHÍ TRÊN BIỂN

28/09/2018

Thời giờ làm việc đối với người lao động làm trong lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí trên biển gồm có thời giờ làm việc đối với người lao động làm việc thường xuyên và thời giờ làm việc đối với người lao động làm việc không thường xuyên.

Điều 4 Thông tư số 24 /2015/TT-BCT ngày 31 tháng 7 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ tài chính quy định về thời giờ làm việc đối với người lao động làm việc thường xuyên như sau:

“Điều 4. Thời giờ làm việc đối với người lao động làm việc thường xuyên

1. Người lao động làm việc thường xuyên theo phiên và theo ca làm việc, cụ thể như sau:

a. Ca làm việc tối đa 12 giờ;

b. Phiên làm việc tối đa 28 ngày.

2. Người sử dụng lao động có trách nhiệm quy định cụ thể ca làm việc và phiên làm việc tại công trình dầu khí trên biển vào Nội quy lao động và thông báo cho người lao động trước khi đến làm việc.”

(Ảnh minh họa: Thời giờ làm việc)

Điều 5 Thông tư số 24 /2015/TT-BCT ngày 31 tháng 7 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ tài chính quy định về thời giờ làm việc đối với người lao động làm việc không thường xuyên như sau:

“Điều 5. Thời giờ làm việc đối với người lao động làm việc không thường xuyên

1. Thời giờ làm việc tiêu chuẩn

Tổng số giờ làm việc tiêu chuẩn trong 1 năm của người lao động làm việc không thường xuyên được tính như sau:

SGLVN =((SNN – SNHN) x 12h)/2

Trong đó:

SGLVN: Số giờ làm việc chuẩn trong năm

SNN: Số ngày trong năm

SNHN: Số ngày nghỉ hàng năm của người lao động theo quy định của Bộ luật lao động

Trường hợp người lao động chưa làm đủ 12 tháng trong năm, số ngày trong năm (SNN) và số ngày nghỉ hàng năm (SNHN) được tính tỷ lệ theo thời gian làm việc từ thời điểm người lao động bắt đầu làm việc cho người sử dụng lao động trong năm đấy.

Ví dụ 1: Anh A làm việc cho Công ty Dầu khí X liên tục từ năm 1999 đến 2015.

Số ngày nghỉ hàng năm tăng thêm tương ứng với 16 năm làm việc là 3 ngày.

Số ngày nghỉ hàng năm của anh A trong năm 2015 theo quy định của Bộ luật lao động là: SNHN = 12 + 3 = 15 ngày

Tổng số ngày trong năm 2015: SNN = 365 ngày

Vậy số giờ làm việc chuẩn trong năm 2015 của anh A sẽ là:

SGLVN = ((365 – 15) x 12h)/2 = 2100 giờ

Ví dụ 2: Anh B làm việc cho Công ty Dầu khí Y từ ngày 01/4/2015.

Số ngày nghỉ hàng năm của anh B tại công ty Dầu khí Y trong năm 2015 theo quy định của Bộ luật lao động là: SNHN = 12 x 9/12 = 9 ngày

Tổng số ngày còn lại trong năm 2015 là: SNN = 275 ngày

Vậy số giờ làm việc chuẩn trong năm 2015 của anh B sẽ là:

SGLVN = ((275 – 9) x 12h)/2 = 1596 giờ

2. Khi làm việc trên công trình dầu khí trên biển, người lao động làm việc không thường xuyên theo phiên và theo ca làm việc, cụ thể như sau:

a. Ca làm việc tối đa 12 giờ;

b. Phiên làm việc tối đa 45 ngày.

3. Người sử dụng lao động thỏa thuận với người lao động về ca làm việc và phiên làm việc trước khi cử người lao động làm việc không thường xuyên trên công trình dầu khí trên biển.

4. Trong thời gian không làm việc trên công trình dầu khí trên biển, người lao động làm việc không thường xuyên được bố trí nghỉ bù hoặc thực hiện công việc trên đất liền theo quy định pháp luật về lao động.

5. Tổng số giờ làm việc bình thường trong năm của người lao động làm việc không thường xuyên không được vượt quá thời giờ làm việc tiêu chuẩn quy định tại Khoản 1 Điều này.”

Trên đây là các nội dung tư vấn về vấn đề thời giờ làm việc đối với người lao động làm trong lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí trên biển để Quý khách hàng tham khảo. Các vấn đề khác cần tham vấn hoặc hỗ trợ pháp lý, đề nghị Quý Khách hàng liên hệ với Luật Huy Thành qua Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 1900 6179 hoặc qua mobile để yêu cầu dịch vụ của Luật sư Nguyễn Văn Thành - Luật sư Giỏi tại Hà Nội: 0909 763 190.

Bạn tham khảo bài viết liên quan TẠI ĐÂY.

bttop