Trích xuất phạm nhân là việc thực hiện quyết định của người có thẩm quyền theo quy định của Luật thi hành án hình sự đưa phạm nhân, người bị kết án tử hình hoặc người chấp hành biện pháp tư pháp đưa vào trường giáo dưỡng khỏi nơi quản lý và chuyển giao cho cơ quan, người có thẩm quyền để phục vụ hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, khám, chữa bệnh, quản lý giam giữ trong thời hạn nhất định
Thực hiện trích xuất phạm nhân được quy định như thế nào? Điều 35 Luật thi hành án hình sự số 53/2010/QH12 ngày 17 tháng 6 năm 2010 quy định như sau:
“Điều 35. Thực hiện trích xuất phạm nhân
1. Cơ quan, người tiến hành tố tụng khi có yêu cầu trích xuất phạm nhân phải gửi văn bản yêu cầu cho cơ quan quản lý thi hành án hình sự, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh nơi cơ quan, người tiến hành tố tụng có yêu cầu trích xuất để yêu cầu cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều này ra lệnh trích xuất. Khi nhận được yêu cầu trích xuất, cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền phải ra lệnh trích xuất phạm nhân.
(Ảnh minh họa: Thủ tục trích xuất phạm nhân)
2. Thẩm quyền trích xuất phạm nhân để phục vụ điều tra, truy tố, xét xử được thực hiện như sau:
a) Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an ra lệnh trích xuất đối với phạm nhân thuộc trại giam, trại tạm giam do Bộ Công an quản lý;
b) Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Quốc phòng ra lệnh trích xuất đối với phạm nhân thuộc trại giam, trại tạm giam do Bộ Quốc phòng quản lý; Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu ra lệnh trích xuất đối với phạm nhân đang chấp hành án tại trại giam, trại tạm giam cấp quân khu;
c) Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh ra lệnh trích xuất đối với phạm nhân đang chấp hành án tại trại tạm giam hoặc phạm nhân do cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện trực tiếp quản lý.
3. Trường hợp trích xuất phạm nhân để phục vụ yêu cầu giáo dục cải tạo hoặc khám, chữa bệnh, quản lý giam giữ thì Giám thị trại giam, Giám thị trại tạm giam, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện ra lệnh trích xuất.
4. Lệnh trích xuất phải có các nội dung sau đây:
a) Cơ quan, họ tên, chức vụ, cấp bậc người ra lệnh;
b) Họ tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi đăng ký thường trú, ngày bị bắt, tội danh, thời hạn và nơi phạm nhân đang chấp hành án phạt tù;
c) Mục đích và thời hạn trích xuất;
d) Cơ quan, họ tên, chức vụ, cấp bậc người nhận phạm nhân được trích xuất;
đ) Người ra lệnh trích xuất phải ghi rõ ngày, tháng, năm và ký tên, đóng dấu vào lệnh trích xuất.
5. Giám thị trại giam, Giám thị trại tạm giam, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện có trách nhiệm kiểm tra, bàn giao, lập biên bản giao nhận phạm nhân được trích xuất và ghi sổ theo dõi. Thời gian trích xuất được tính vào thời hạn chấp hành án phạt tù, trừ trường hợp phạm nhân đó bỏ trốn trong thời gian được trích xuất. Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu nơi cơ quan, người tiến hành tố tụng có yêu cầu trích xuất có nhiệm vụ tiếp nhận, áp giải và quản lý phạm nhân được trích xuất trong thời gian trích xuất.
6. Trường hợp đưa phạm nhân được trích xuất ra khỏi nơi chấp hành án thì cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu tiếp nhận phạm nhân được trích xuất phải bảo đảm chế độ ăn, ở, sinh hoạt cho người đó theo quy định của pháp luật trong thời gian trích xuất. Căn cứ lệnh trích xuất, trại tạm giam hoặc nhà tạm giữ nơi cơ quan điều tra, truy tố, xét xử có yêu cầu phải quản lý phạm nhân được trích xuất.
7. Trường hợp không đưa phạm nhân được trích xuất ra khỏi nơi chấp hành án thì trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện bảo đảm chế độ ăn, ở, sinh hoạt và quản lý phạm nhân đó ngoài thời gian cơ quan, người nhận phạm nhân được trích xuất làm việc với phạm nhân.
8. Hết thời hạn trích xuất, cơ quan nhận phạm nhân được trích xuất phải gửi thông báo cho cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu và bàn giao phạm nhân được trích xuất cho trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện để tiếp tục thi hành án; nếu có nhu cầu tiếp tục trích xuất thì đề nghị gia hạn trích xuất; thời hạn trích xuất và gia hạn trích xuất không được kéo dài hơn thời hạn chấp hành án phạt tù còn lại của phạm nhân được trích xuất.”
Trên đây là các nội dung tư vấn về vấn đề thủ tục trích xuất phạm nhân để Quý khách hàng tham khảo. Các vấn đề khác cần tham vấn hoặc hỗ trợ pháp lý, đề nghị Quý Khách hàng liên hệ với Luật Huy Thành qua Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 1900 6179 hoặc gọi 1900 6179 yêu cầu dịch vụ của Luật sư Nguyễn Văn Thành - Luật sư Giỏi tại Hà Nội.
Bạn tham khảo bài viết liên quan TẠI ĐÂY.