Vay tiền qua app, không trả có sao không?

14/05/2021

Việc vay tiền qua app tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, đặc biệt là mức lãi suất “cắt cổ” và cách thức đòi nợ của những ứng dụng này. Vậy trường hợp vay tiền qua app, không trả có sao không? Hãy cùng Luật sư tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

1. Hình thức cho vay.

Vay tiền qua app thực chất là một hình thức vay tín chấp.

Loại hình cho vay này rất đơn giản, nhanh chóng, không cần gặp mặt và không cần tài sản thế chấp. Người vay chỉ cần gửi ảnh chụp khuôn mặt, chụp CMND, cung cấp số tài khoản ngân hàng và đặc biệt phải chấp thuận điều kiện là cho các app này truy cập vào danh bạ điện thoại.

Nêu chấp thuận các điều kiện này thì chỉ cần sau 10 phút tiền sẽ được chuyển vào tài khoản của người vay. Nhưng cũng kể từ đây thì những người đứng ẩn sau các ứng dụng này sẽ có được toàn bộ số điện thoại, Zalo, Facebook của người thân, của đồng nghiệp và của bạn bè người vay để sử dụng cho các mục đích này.

(ảnh minh họa: vay tiền qua app, không trả có sao không)

Đặc điểm của loại hình cho vay này là số tiền cho vay nhỏ và thời gian cho vay ngắn, khoảng một tuần. Tuy nhiên trên thực tế, người vay chỉ cần nhận được 2/3 số tiền trên hợp đồng vay, 1/3 còn lại người cho vay giữ để trừ vào tiền lãi và tiền phí các loại dịch vụ. Hết một tuần, nếu người vay không trả được nợ thì nhân viên của các app sẽ tiếp tục giới thiệu các app mới để người vay tiếp tục vay của app sau để trả cho app trước.

2. Cách thức đòi nợ.

Cách đòi nợ của các app này thậm chí còn tàn khốc hơn cả tín dụng đen ngoài đời, đòi nợ bằng cách khủng bố tinh thần người vay.

- Ban đầu, các app cho nhân viên sử dụng những lời lẽ thô tục, độc ác liên tục gọi điện cho người vay, gia đình và tất cả những người có tên trong danh bạ điện thoại để bêu rếu người vay nhằm gây sức ép trả nợ.

- Khi biện pháp khủng bố điện thoại không có hiệu quả thì các đối tượng sẽ sử dụng triệt để mạng xã hội, chúng cắt ghép với hình ảnh gái mại dâm hoặc các đối tượng phạm tội khác để làm nhục người vay, thậm chí có những cháu nhỏ là con của người vay chúng cũng không tha khiến cho các cháu xấu hổ, không dám tới trường.

Khi rơi vào trường hợp này, người dân cần làm gì?

- Giải pháp tạm thời là bạn có thể không tiếp tục sử dụng sim điện thoại, tài khoản facebook, zalo,... nữa để tránh bị làm phiền. Tuy nhiên giải pháp này không thể giải quyết triệt để vấn đề.

- Trước hết, bạn cần tìm ra thông tin của chủ sở hữu những app này, tố cáo hành vi quấy rối qua điện thoại với cơ quan công an. Đồng thời, ghi âm cuộc gọi và khiếu nại lên nhà mạng mà mình đang sử dụng hoặc gửi đơn khiếu nại lên Sở Thông tin và truyền thông để yêu cầu giải quyết.

- Trường hợp bị bôi nhọ, vu khống trên mạng xã hội, bạn hoàn toàn có quyền yêu cầu các cá nhân, tổ chức sử dụng hình ảnh của mình gỡ bỏ những hình ảnh đó và tố cáo tới cơ quan công an để xử lý vi phạm.

- Khi phát hiện app có dấu hiệu cho vay nặng lãi, bạn cần sớm tất toán khoản vay, không tiếp tục vay các app khác khi được giới thiệu; nếu bị các đối tượng đe dọa, cần báo ngay cho cơ quan công an gần nhất bằng đơn hoặc qua điện thoại.

- Trường hợp bạn không có khả năng thanh toán, chủ sở hữu các app cho vay hoàn toàn có quyền khởi kiện bạn ra tòa án có thẩm quyền giải quyết. Tuy nhiên, việc này rất hiếm khi xảy ra vì bên cho vay thường đưa ra mức lãi suất vượt quy định. Khi đưa ra pháp luật, bạn sẽ được pháp luật bảo vệ và chỉ phải trả lãi theo mức đã được pháp luật quy định.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi về vấn đề vay tiền qua ứng dụng không trả có sao không để Quý Khách hàng tham khảo. Các vấn đề khác cần tham vấn, đề nghị Quý Khách hàng liên hệ với Luật Huy Thành qua Tổng đài tư vấn miễn phí 1900 6179 hoặc qua Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 19006179  gặp Luật sư Nguyễn Văn Thành - Luật sư Giỏi tại Hà Nội.

Bạn tham khảo bài viết liên quan TẠI ĐÂY.

bttop