BỨC CUNG - ÁN OAN

05/01/2018

Chúng ta không phủ nhận những thành tựu và kết quả to lớn đạt được trong công cuộc cải cách tư pháp; đặc biệt là đối với các cơ quan tiến hành tố tụng. Tuy nhiên, vẫn còn những “hạt sỏi” rất to trong quá trình sàng lọc, xây dựng, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của ngành tư pháp nói chung.

Có lẽ, chưa khi nào vấn đề án oan lại là chủ đề nóng và được đề cập nhiều như thời điểm hiện nay. Hàng loạt các vụ án oan nghiêm trọng được “phanh phui”, nhiều Bị án và Gia đình phải sống trong sự ức chế, tủi nhục hàng chục năm trời; nỗi đau và sự sự mất mát đó liệu có thể đong đếm được bằng những giá trị vật chất tầm thường?
Điển hình gần nhất là vụ của ông Nguyễn Thanh Chấn tại Bắc Giang. Hơn mười năm ngồi tù, nhưng rồi bằng ý chí, nghị lực, niềm tin nội tâm phi thường mới có thể “chuyền tải” những lời kêu cứu của họ đến với những người có thẩm quyền. Tuy nhiên, mười năm, khoảng thời gian không ngắn cho một đời người, nhưng lại là tối đa để ai đó đảm nhận vị trí quản lý đầu ngành trước khi họ về hưu hoặc được bổ nhiệm, thuyên chuyển tới vị trí mới. Câu hỏi đặt ra là tại sao không phải là một năm mà tới mười năm, trong khi đó đã có hàng trăm lá đơn kêu cứu, yêu cầu kháng nghị được gửi đi từ ông Chấn và Gia đình. Nói vậy để thấy rằng trách nhiệm án oan không chỉ dừng lại đối với Điều tra viên, Kiểm sát viên hoặc Thẩm phán trực tiếp giải quyết vụ án.
Cội nguồn nguyên nhân vì sao ông Chấn… bị án oan được lý giải “án tại hồ sơ”, vì ông Chấn đã thừa nhận hành vi phạm tội của mình tại các bản ghi lời khai, hỏi cung, bản tự khai. Nhưng rồi một số cơ quan, người tiến hành tố tụng trong vụ án này đã sai lầm nghiêm trọng, họ quá tin vào phần còn lại mang danh tư cách tiến hành tố tụng luôn tuân thủ pháp chế. Và rồi việc gì đến cũng đã đến, một loạt các hành vi mớm cung, ép cung, nhục hình đã bị phơi bày ra ánh sáng; liên tục các quyết định khởi tố về hành vi nêu trên đối với những con người đã từng ở vị trí giữ quyền “phán xét”.
Cũng bởi niềm tin nội tâm, nhưng trong trường hợp này lại là niềm tin của sự mù quáng, trong một số vụ án người ta đã sử dụng ép cung, nhục hình làm phương tiện điều tra. Để rồi hệ quả nghiêm trọng của nó không chỉ một số con người bị hàm oan, mất đi cuộc sống tự do mà sự mất mát lớn hơn là niềm tin của nhân dân vào nền tư pháp của một nhà nước đang hướng tới mục tiêu pháp quyền.
Chúng ta đặt nhiều câu hỏi, giả thiết về tình trạng bức cung, nhục hình và làm sao để triệt tiêu vĩnh viễn tình trạng này?
Cá nhân tôi không đủ khả năng đề xuất các giải pháp, chỉ có thể trích dẫn lại một số các nguyên tắc liên quan đã được quy định rõ trong Bộ luật Tố tụng hình sự để thấy rằng tính đúng đắn của pháp luật đã có, chỉ chờ vào sự nhận thức pháp lý trách nhiệm và lương tâm của những cá nhân có thẩm quyền tố tụng:
(1) QUYỀN CON NGƯỜI PHẢI ĐƯỢC TÔN TRỌNG
Quyền con người luôn là quyền thiêng liêng và bất khả xâm phạm. Nó được quy định tại Hiến chương Liên Hợp Quốc và rất nhiều các văn bản liên quan trong các quan hệ hợp tác quốc tế, cũng như pháp luật của từng Quốc gia.
Trong quan hệ pháp luật hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sư năm 2003 (BLTTHS) cũng đã quy định cụ thể về việc đảm bảo quyền công dân.
Theo quy định tại Điều 9 BLTTHS thì không ai bị coi là có tội khi chưa có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Do đó, dù một người phạm tội quả tang, bị bắt, tạm giam thì họ cũng chưa phải là người phạm tội. Họ chỉ bị hạn chế một số quyền của công dân như quyền đi lại tự do…; còn các quyền cơ bản khác như quyền được bảo vệ về tính mạng, sức khỏe của họ vẫn được đảm bảo.
Ngoài ra, tại Điều 4 BLTTHS còn quy định: “Khi tiến hành tố tụng, Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Điều tra viên, Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát, Kiểm sát viên, Chánh án, Phó Chánh án Tòa án, Thẩm phán, Hội thẩm trong phạm vi trách nhiệm của mình phải tôn trọng và bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân…”.
Chỉ có tôn trọng quyền con người, hiểu rõ và nghiêm chỉnh tuân thủ các nguyên tắc nêu trên từ cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng thì mới hy vọng triệt tiêu được tình trạng bức cung, nhục hình nêu trên.
(2) PHẢI TUYỆT ĐỐI TUÂN THỦ NGUYÊN TẮC BẢO ĐẢM PHÁP CHẾ XÃ HỖI CHỦ NGHĨA TRONG TỐ TỤNG HÌNH SỰ.
Mọi hoạt động tố tụng hình sự của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng phải được tiến hành theo đúng quy định của BLTTHS; phải nghiêm chỉnh thực hiện những quy định của pháp luật và phải chịu trách nhiệm về hành vi, quyết định của mình.
Và Điều 6 BLTTHS về bảo đảm quyền bất khả xâm phạm thân thể của công dân đã quy định: “Nghiêm cấm mọi hình thức truy bức, nhục hình”.
Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án phải áp dụng mọi biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ những chứng cứ xác định có tội và những chứng cứ xác định vô tội.
Do vậy, bức cung, mớm cung, nhục hình không thể nào được xem là hợp pháp, khách quan, toàn diện và đầy đủ.
(3) PHẢI NÂNG CAO CƠ CHẾ GIÁM SÁT KIỂM TRA CỦA KIỂM SÁT VIÊN TRONG HOẠT ĐỘNG LẤY LỜI KHAI, HỎI CUNG BỊ CAN CỦA ĐIỀU TRA VIÊN.
Tại Điều 37 BLTTHS đã quy định rất rõ Kiểm sát viên được phân công có nhiệm vụ và quyền hạn trong việc kiểm sát các hoạt động điều tra và việc lập hồ sơ vụ án của Cơ quan điểu tra.
Như vậy, hoạt động lấy lời khai, hỏi cung bị can cũng được xem là hoạt động điều tra. Tuy nhiên, thực tế tham gia và nghiên cứu nhiều hồ sơ vụ án hình sự, tôi nhận thấy phần lớn hoạt động hỏi cung của Điều tra viên không có sự giám sát, kiểm tra của Kiểm sát viên được phân công. Tất cả các hoạt động hỏi cung đều do Điều tra viên tự thực hiện. Do đó, khi xảy ra tình trạng bức cung, mớm cung, nhục hình đối với bị can thì các Kiểm sát viên đều không biết; cộng với sự chủ quan, tin tưởng vào kết quả điều tra nên bỏ sót các hành vi vi phạm pháp luật về mặt tố tụng và nội dung của cơ quan điều tra là điều đương nhiên.
(4) KHÔNG ĐƯỢC BẢO THỦ, CẦN NGHIÊM TÚC NHÌN NHẬN TOÀN DIỆN VỤ ÁN, ĐẶC BIỆT LÀ NHỮNG VỤ ÁN YẾU VỀ HỒ SƠ, CƠ SỞ CẤU THÀNH TỘI PHẠM VÀ BỊ CÁO KÊU OAN.
Tôi cho rằng có một thực trạng tại các cơ quan tiến hành tố tụng là “không dám nhận sai cho dù biết đó là sai”. Đã bắt là phải có tội nên một số vụ án ban đầu khởi tố, điều tra về hành vi này, nhưng quá trình điều tra nhận thấy cơ sở pháp lý của hành vi đó không có hoặc còn yếu thì tìm cách xoay chuyển, khởi tố bổ sung sang hành vi phạm tội khác; không có tội thì ép phải có và không nhận tội thì ép phải nhận bằng được.
Vậy nên, để hạn chế và/ hoặc triệt tiêu tình trạng bức cung – án oan như hiện nay, thiết nghĩ các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng nếu đã nhận thấy sai phạm thì nên dũng cảm thừa nhận và sửa sai, đừng bảo thủ, cố đấm ăn xôi rồi dẫn đến sai lại thêm sai.
Dũng cảm thừa nhận và cùng nhau khắc phục hậu quả của sai phạm cũng là cách tốt nhất hạn chế tối đa các thiệt hại mọi mặt trong tố tụng hình sự.
Trên đây là một số ý kiến cá nhân, chủ quan rất nhỏ bàn về vấn đề bức cung, án oan hiện nay. Rất mong các Luật sư cùng chia sẻ, có nhiều bài viết hay góp phần đẩy mạnh công cuộc cải cách tư pháp; đặc biệt là làm minh bạch hơn hoạt động tố tụng hình sự tại Việt Nam.

Các vấn đề khác cần tham vấn hoặc hỗ trợ pháp lý, đề nghị Quý Khách hàng liên hệ với Luật Huy Thành qua Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 1900 6179 hoặc qua mobile để yêu cầu dịch vụ của Luật sư Nguyễn Văn Thành - Luật sư Giỏi tại Hà Nội: 0909 763 190.

Bạn tham khảo bài viết liên quan TẠI ĐÂY

bttop