Chia sẻ một số kinh nghiệm về kỹ năng nghiên cứu hồ sơ vụ án hình sự

05/01/2018

Tôi chính thức được cấp Chứng chỉ, Thẻ hành nghề và gia nhập Đoàn Luật sư Hà Nội từ đầu năm 2011.  Tuy nhiên, tập tễnh học nghề, tiếp cận hồ sơ vụ án hình sự và hỗ trợ Luật sư hướng dẫn thực hiện các công việc liên quan như nghiên cứu hồ sơ, soạn kiến nghị… thì từ năm 2007. 

Trước và sau khi hành nghề chính thức, được tiếp cận và thực hiện cả trăm hồ sơ vụ án hình sự, tôi hiểu những khó khăn cho các “Luật sư trẻ” trong công việc; đặc biệt là kỹ năng nghiên cứu hồ sơ (vì tôi cũng từng trãi qua cảm giác đó). Chúng ta thử hình dung, hồ sơ vụ án hình sự thì rất đa dạng vì nhiều loại án, có những hồ sơ chỉ có mấy chục Bút lục (BL), nhưng cũng có những hồ sơ lên tới cả nghìn BL nên mức độ khó và khối lượng công việc nghiên cứu cũng khác nhau.
Do thiếu kinh kiệm, đa phần các “Luật sư trẻ” khi tiếp cận hồ sơ vụ án hình sự đều gặp những khó khăn nhất định liên quan đến kỹ năng và phương pháp nghiên cứu hồ sơ; và việc này có thể ảnh hưởng rất nhiều tới hiệu quả công việc của họ. Nhiều người còn nói rằng, khi nghiên cứu hồ sơ vụ án hình sự, đặc biệt là những hồ sơ có số lượng BL lớn không khác gì đi vào mê cung, nhiều vấn đề không thể hệ thống, định hình được.
Với vốn kinh nghiệm ít ỏi, nhưng tự bản thân nhận thấy tính hiệu quả khi áp dụng nên mạo muội chia sẻ với các “Luật sư trẻ” cùng tham khảo. Hy vọng các bạn có thể lượm nhặt được một vài ý phù hợp để áp dụng trong quá trình hành nghề của mình:
NGUYÊN TẮC NGHIÊN CỨU HỒ SƠ VỤ ÁN HÌNH SỰ.
(i) Định hướng bào chữa, bảo vệ trước khi nghiên cứu hồ sơ:
Để đạt tính hiệu quả cao nhất trong việc nghiên cứu hồ sơ, các “Luật sư trẻ” cần thiết phải phải xác định vai trò và định hướng bào chữa, bảo vệ của mình cho thân chủ. Làm được việc này, “Luật sư trẻ” sẽ biết phải tập trung nghiên cứu những những vấn đề nào là quan trọng nhất.
Ví dụ: Luật sư tham gia tố tụng hình sự với tư cách người bào chữa nhưng định hướng xin giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho thân chủ. Do vậy, Luật sư sẽ tập trung vào nghiên cứu, khai thác tối đa tài liệu chứng cứ liên quan đến tình tiết giảm nhẹ của Thân chủ.
(ii) Xác định thành phần hồ sơ vụ án hình sự.
Mọi hồ sơ vụ án hình sự đều có hai phần chính, bao gồm phần tố tụng và phần nội dung. Do đó, Tùy thuộc vào định hướng tham gia tố tụng nêu trên, “Luật sư trẻ” có thể lược bỏ hoặc tập trung nghiên cứu chi tiết từng phần của của hồ sơ.
Ví dụ: Mục đích của Luật sư là xin giảm trách nhiệm hình sự cho thân chủ, nên thường thì luật sư sẽ không “bới lông, tìm vét” đối với những sai phạm về mặt tố tụng hoặc người lại.
(iii) Phạm vi nghiên cứu hồ sơ vụ án hình sự.
• Về mặt tố tụng: Nghiên cứu và đối chiếu kỹ trình tự tố tụng theo quy định của pháp luật như tạm giữ (về thời hạn); Khởi tố (thời hạn, thông báo, phe chuẩn); điều tra (Phê chuẩn tạm giam, thời hạn tạm giam, gia hạn và phê chuẩn gia hạn tạm giam, lấy lời khai của bị can…, tư cách tố tụng của Người tham gia hỏi cung, thời gian hỏi cung…vv); truy tố (thời hạn, phê chuẩn)…
• Về mặt nội dung: Cần nghiên cứu đầy đủ, toàn diện các tài liệu có trong hồ sơ vụ án về những vấn đề phải chứng minh trong vụ án án hình sự.

PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU HỒ SƠ VỤ ÁN HÌNH SỰ
Trong quá trình hành nghề, tôi đã áp dụng một số phương pháp nghiên cứu, nhưng có lẽ phương pháp được tôi nêu ra dưới đây cho thấy tính hiệu quả nhất. Tất nhiên, đã là phương pháp thì luôn mang tính linh hoạt, sáng tạo và tùy từng vụ án, kỹ năng của mỗi người áp dụng cho phù hợp.
Thứ nhất, việc nghiên cứu hồ sơ vụ án cần phải gắn liền với việc ghi chép, dùng bút màu đánh dấu với những nội dung quan trong. Quá trình ghi chép cần ghi rõ nội dung thuộc số BL nào. Nếu nghiên cứu hồ sơ sao chụp trên máy tính, cần thiết phải in ngay những tài liệu được cho là quan trọng, hoặc coppy vào một folder riêng để in sau.
Thứ hai, để có thể hệ thống và nắm bắt được toàn bộ nội dung vụ án, trước tiên cần nghiên cứu kỹ nội dung Bản kết luận điều tra, kết luận điều tra bổ sung (nếu có), Bản Cáo trạng; đồng thời đối chiếu về mặt nội dung đối với các văn bản trên. Từ đó chúng ta mới có thể xác định thứ tự nghiên cứu hồ sơ vụ án như thế nào cho hợp lý.
Thứ ba, nghiên cứu lời khai của những người tham gia tố tụng theo thứ tự: Thân chủ(bị can hoặc bị hại), nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, người làm chứng theo thứ tự thời gian. Tuy nhiên, riêng phần lời khai của Thân chủ, “Luật sư trẻ” nên nghiên cứu phần các bản tự khai trước.
Thư tư, nghiên cứu các tài liệu liên quan được cơ quan điều tra thu thập trong quá trình điều tra giải quyết vụ án, xác định những hồ sơ có lợi và bất lợi cho Thân chủ của mình; qua đó có thể khai thác hoặc chuẩn bị nội dung phản biện.
Thứ năm, sau khi đã nắm bắt được toàn bộ nội dụng hồ sơ, tùy thuộc vào từng vụ án và định hướng giải quyết, luật sư mới tiến hành nghiên cứu phần hồ sơ tố tụng.
Thứ sáu, nghiên cứu và chuẩn bị kỹ các quy định của pháp luật liên quan.
Thư bảy, trên cơ sở nghiên cứu hồ sơ, cần hệ thống và tóm tắt khách quan toàn bộ nội dung vụ án theo hướng bảo vệ, bào chữa cho Thân chủ của mình. Các nội dung tóm tắt nên được viện dẫn bởi các tài liệu, BL có trong hồ sơ vụ án.
Trên đây là một số kinh nghiệm liên quan đến kỹ năng nghiên hồ sơ vụ án hình sự, được tôi chia sẻ đến các “Luật sư trẻ”. Kinh nghiệm mang tính chủ quan, tham khảo nên có thể chưa được sáng tạo, phù hợp với nhiều người; đồng thời, rất mong nhận được sự góp ý, chia sẻ kinh nghiệm từ các “Luật sư trẻ” hoặc các Luật sư nhiều kinh nghiệm để các Luật sư tranh tụng trẻ tại Việt Nam luôn vững vàng hơn trong quá trình hành nghề của mình.
__________________________________________________________________
Luật sư Nguyễn Văn Thành – Giám đốc Công ty Luật TNHH Huy Thành – Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội.
Địa chỉ: Phòng 304, tầng 3, toà nhà Fman, số 319 Tây Sơn, phường Ngã Tư Sở, quận Đống Đa, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 3564 3688 – Mobile: 0909 763 190
 

bttop