Khách hàng của tôi tên là Q, có chơi thân với một người bạn cùng quê tên là T (học tập cùng nhau từ nhỏ đến hết đại học). Do cần vốn làm ăn, khoảng tháng 5/2011, anh Q đã vay của anh T số tiền 100.000.000 đồng với lãi suất 1.500 đồng/triệu/ngày (việc vay mượn không giấy tờ). Tháng 11/2011, anh Q tiếp tục vay của anh T số tiền 130.000.000 đồng với lãi suất và hình thức tương tự.
Từ năm 2012, công việc kinh doanh gặp nhiều thuận lợi, anh Q đã nhiều lần đề nghị thanh toán hết nợ nhưng vợ chồng T đều khước từ nhận và nói rằng số tiền chẳng đáng là bao, Q cứ cầm lấy mà kinh doanh.
Tháng 8/2013, vợ chồng T hẹn anh Q tại quán cafe trên cùng địa bàn và nói rằng việc vay mượn giữa hai bên không có giấy tờ, nên đề nghị anh Q ký vào văn bản do vợ T trưc tiếp viết tại quán. Văn bản lần 1, Vợ T viết lỗi một số chỗ nên anh Q yêu cầu viết lại văn bản khác (Văn bản lỗi anh Q đang giữ). Sau khi khi Vợ T viết xong, anh Q đọc thấy nội dung đúng với số tiền gốc vay mượn nên ký mà không để ý về hình thức, khoảng cách giãn từ, giãn câu hoặc phần để trống trong văn bản. Khi anh Q ký xong, Vợ T cầm tờ giấy nói đi vệ sinh, nhưng thực tế chạy thẳng ra xe taxi đang chờ sẵn ra về. Anh Q phát hiện nên nghi ngờ, chạy theo để yêu cầu chụp lại văn bản nhưng không kịp. Cùng lúc đó, T cũng ra lấy xe máy rời khỏi quán (sự việc sau này có xác nhận của nhân viên quán cafe).
Một thời gian sau, viện lý do việc làm ăn của anh Q phát đạt là nhờ nguồn vốn cho vay từ vợ chồng T. Bởi vậy, T nhiều lần yêu cầu anh Q phải thanh toán số tiền nhiều hơn so với tổng gốc, lãi. Cụ thể, lúc đầu T yêu cầu 450.000.000 đ, quá trình anh Q xem xét thì T lại yêu cầu lên 950.000.000. Việc này khiến anh Q vô cùng bức xúc và kiên quyết chối từ và chỉ thanh toán tiền nợ thực tế cho T.
Biết được thái độ nêu trên, T đã chuyển cho anh Q bản coppy Giấy nhận nợ có chữ ký của anh Q với nội dung: "Ngày 23/6 năm 2013, tôi còn vay của anh chị T Y số tiền để làm ăn kinh doanh là 230.000.000 đồng; hẹn trong vòng 3 tháng kể từ ngày 01/9/2013 đến hết ngày 31/12 tôi sẽ thanh toán đủ số tiền trên. Số tiền còn lại 2.000.000.000 đồng (Hai tỉ) vay trước đó (không ghi biên nhận) tôi trả vào ngày 15/01/2014".
Đọc nội dung Văn bản nêu trên khiến anh Q bị sốc và vô cùng phẫn nộ. Anh Q khẳng định rằng, văn bản mà anh đã ký do vợ T viết không có từ "tiếp" và câu "Số tiền còn lại 2.000.000.000 đồng (Hai tỉ) vay trước đó (không ghi biên nhận) tôi trả vào ngày 15/01/2014". Ngoài ra, văn bản này cũng thêm người làm chứng là K (K thực tế là anh vợ của T).
Vợ chồng T nhiều lần yêu cầu anh Q phải thanh toán theo yêu cầu của mình nếu không sẽ dùng văn bản này để tố cáo T ra cơ quan công an.
Ngày 18/4/2014, T chính thức gửi Đơn tố cáo ra PC 45 Công an tỉnh D. Vụ việc nhanh chóng được thụ lý; anh Q nhiều lần "được" lãnh đạo phòng "mời" lên làm việc riêng. Sau một thời gian hao tổn về tinh thần VC mà không có kết quả, Q quyết định uỷ quyền cho tôi trực tiếp tham gia vào vụ việc này.
Hoàn thiện các thủ tục liên quan, tôi nhiều lần gửi văn bản phân tích nội dung vụ việc trên cơ sở pháp lý; phân tích rõ các dấu hiệu có thể đã nguỵ tạo thêm nội dung văn bản nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản của vợ chồng T. Tôi cũng phân tích, nhận định toàn bộ sự việc chỉ là quan hệ dân sự thông thường; không có bất kỳ dấu hiệu phạm tội hoặc cấu thành các tội được quy định tại Chương XIV Bộ luật Hình sự (Các tội xâm phạm đến quyền sở hữu). Đồng thời, yêu cầu Viện kiểm sát và Giám đốc Công an nhân dân tỉnh D yêu cầu PC 45 không được tiếp tục vi phạm thời hạn, phải nhanh chóng ban hành kết luận nội dung tố cáo theo hướng quan hệ dân sự, không có dấu hiệu tội phạm của Q.
Vụ việc về mặt nội dung dường như đã ngã ngũ, chỉ chờ kết luận sau cùng của cơ quan Công an. Khách hàng của tôi cũng đang xem xét việc yêu cầu cơ quan chức năng xử lý hành vi liên quan của vợ chồng T sau khi có kết luận.
Sự việc nêu trên là bài học đắt giá cho Q và cũng là lời cảnh tỉnh cho chúng ta trong cuộc sống. Bởi vậy, tôi xin chia sẻ để mọi người cùng tham khảo và lưu ý.
Các vấn đề khác cần tham vấn hoặc hỗ trợ pháp lý, đề nghị Quý Khách hàng liên hệ với Luật Huy Thành qua Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 1900 6179 hoặc qua mobile để yêu cầu dịch vụ của Luật sư Nguyễn Văn Thành - Luật sư Giỏi tại Hà Nội: 0909 763 190. Trân trọng!