Tóm tắt vụ việc (theo thông tin một số báo điện tử):
“Chiều 4/6, cơ quan công an huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) đang điều tra hành vi vi phạm pháp luật của đối tượng Vũ Văn Ban ( SN 1993, trú tại huyện Quỳ Hợp, Nghệ An). Nạn nhân bị bắt cóc là em V.T.H, học sinh lớp 12- trường THPT Quỳnh Lưu 1.
Tối 2/6, anh Vũ Văn Linh (SN 1990, ở xã Quỳnh Hưng) lấy xe máy chở H. đi chơi. Đến khoảng 22h, cả hai bị Ban chặn đường. Ban dùng dao chém một nhát vào lưng anh Linh khiến anh bỏ chạy. Ban dí dao vào cổ H. và bắt đi theo mình.
Anh Linh được người nhà đưa vào trạm y tế xã để băng bó vết thương, đồng thời khâu 10 mũi chỉ ở sau lưng.
Qua thu thập thông tin, công an xã phát hiện Ban đang bắt giữ H. tại nhà người thân ở huyện Kỳ Anh - Hà Tĩnh. Tối 3/6, gia đình Ban đã vào Hà Tĩnh để thuyết phục Ban thả H.. Sau một ngày bị người yêu cũ bắt cóc, H. đã trở về nhà. Vũ Văn Ban đã tới trụ sở công an xã để tự thú.
Ban khai trước đó, Ban và H. yêu nhau. Tuy nhiên do hai bên gia đình phản đối nên cả hai đã chia tay. Thấy H. có bạn trai mới, Ban ghen tức và có hành động như trên.
Bị bắt cóc, H. đã bỏ lỡ 2 môn thi tốt nghiệp cấp 3 cuối cùng là môn Toán và môn Địa”.
(ảnh minh họa: nữ sinh không thi tốt nghiệp do bị người yêu bắt cóc)
Ý kiến pháp lý về vụ việc
Theo nhận định cá nhân, Vũ Văn Ban có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác theo Điều 104 và tội bắt và giữ người trái pháp luật tại khoản 1 Điều 123 bộ luật Hình sự.
1. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác
– Cơ quan chức năng cần giám định thương tật đối với anh Linh để biết chính xác anh Linh bị thương tật bao nhiêu %.
– Hành vi của Ban là chặn đường, chém một nhát vào Lưng anh Linh khiến anh phải bỏ chạy và đi khâu mười mũi… cho thấy Ban thực hiện hành vi với lỗi cố ý để gây ra thương tích cho anh Linh. Tình tiết Ban dùng dao chém còn được coi là “dùng hung khí nguy hiểm” theo điểm a Khoản 1 Điều 104.
Tình tiết “dùng hung khí nguy hiểm” được quy định tại tiểu mục 3.1 mục 3 nghị quyết 01/2006/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định bộ luật hình sự, theo đó: “Dùng hung khí nguy hiểm quy định tại điểm a khoản 1 Điều 104 của BLHS là trường hợp dùng vũ khí hoặc phương tiện nguy hiểm theo hướng dẫn tại các tiểu mục 2.1 và 2.2 mục 2 Phần I Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17/4/2003 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao để cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác”.
Tiểu mục 2.1 và 2.2 mục 2 Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP quy định:
“2.1. "Vũ khí" là một trong các loại vũ khí được quy định tại khoản 1 Điều 1 Quy chế quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (ban hành kèm theo Nghị định số 47/CP ngày 12/8/1996 của Chính phủ).
2.2. "Phương tiện nguy hiểm" là công cụ, dụng cụ được chế tạo ra nhằm phục vụ cho cuộc sống của con người (trong sản xuất, trong sinh hoạt) hoặc vật mà người phạm tội chế tạo ra nhằm làm phương tiện thực hiện tội phạm hoặc vật có sẵn trong tự nhiên mà người phạm tội có được và nếu sử dụng công cụ, dụng cụ hoặc vật đó tấn công người khác thì sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng hoặc sức khoẻ của người bị tấn công.
a. Về công cụ, dụng cụ
Ví dụ: búa đinh, dao phay, các loại dao sắc, nhọn...
b. Về vật mà người phạm tội chế tạo ra
Ví dụ: thanh sắt mài nhọn, côn gỗ...
c. Về vật có sẵn trong tự nhiên
Ví dụ: gạch, đá, đoạn gậy cứng, chắc, thanh sắt...”.
Như vậy, tùy từng tỷ lệ thương tật cụ thể của anh Linh mà Ban có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo các điều khoản tương ứng tại Điều 104.
2. Tội bắt, giữ và giam người trái pháp
Sau khi chém anh Linh, Ban dí dao vào cổ H. và bắt đi theo mình. Tiếp đó, Ban giữ H. tại nhà người thân ở huyện Kỳ Anh - Hà Tĩnh. Tối 3/6, gia đình Ban đã vào Hà Tĩnh để thuyết phục Ban thả H… Sau một ngày bị người yêu cũ bắt cóc, H. đã trở về nhà. Vũ Văn Ban đã tới trụ sở công an xã để tự thú.
Có thể thấy, hành vi của Ban dí dao vào cổ H và bắt đi theo mình đủ yếu tố cấu thành hành vi bắt người trái pháp luật; Ban giữ H ở nhà người thân 01 ngày không cho về đủ yếu tố cấu thành hành vi giữ người trái pháp luật. Hành vi bắt và giữ người trái pháp luật của Ban làm H không thi tốt nghiệp được hai môn cuối khó có thể coi đó là gây hậu quả nghiêm trọng, (thực tiễn xét xử gây hậu quả nghiêm trọng trong tội này thường là bắt giữ hoặc giam nhiều người, gây thương tích nhiều người, làm dư luận hoang mang sợ hãi…) do vậy, Ban có thể chỉ bị truy cứu về tội này theo khoản 1 với mức phạt là cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
Trên đây là các nội dung tư vấn của Luật Huy Thành để Quý Khách hàng tham khảo. Các vấn đề khác cần tham vấn hoặc hỗ trợ pháp lý, đề nghị Quý Khách hàng liên hệ với Luật Huy Thành qua Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 1900 6179 hoặc qua mobile để yêu cầu dịch vụ của Luật sư Nguyễn Văn Thành - Luật sư Giỏi tại Hà Nội: 0909 763 190.
Bạn tham khảo bài viết liên quan TẠI ĐÂY