Điều 19 Hiến pháp 2013 quy định: “Mọi người có quyền sống. Tính mạng con người được pháp luật bảo hộ. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật”. Chính vì vậy, tất cả những hành vi tước đoạt tính mạng của người khác trái pháp luật đều sẽ bị nghiêm trị.
– “Giết người” là hành vi cố ý tước đoạt tính mạng của người khác một cách trái pháp luật. Người thực hiện hành vi với lỗi cố ý (từ “giết” đã bao hàm sự cố ý). Người nào vô ý mà làm chết người thì không được coi là giết người mà có thể bị truy cứu về tội vô ý làm chết người theo Điều 98 Bộ luật hình sự.
– Hành vi khách quan của người phạm tội: bao gồm cả hành động hoặc không hành động. Hành động “giết” có thể là: bắn, đâm, chém, đánh, đấm, treo cổ, đẩy xuống vực, đầu độc, đốt cháy…Không hành động thường ít khi gặp ví dụ y tá cố tình không cho bệnh nhân uống thuốc theo chỉ định để bệnh nhân chết…
– Hành vi tước đoạt tính mạng của người khác phải là trái pháp luật. Có những trường hợp tước đoạt tính mạng người khác không bị coi là tội phạm ví dụ như: trong trường hợp phòng vệ chính đáng hay người cảnh sát thi hành bản án tử hình đối với người phạm tội…
– Hành vi trái pháp luật phải là nguyên nhân gây ra hậu quả chết người, tức là có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả. Thực tiễn xét xử không phải bao giờ cũng dễ dàng xác định mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả chết người. Do vậy, khi xét xử phải xem xét toàn diện, khách quan, đầy đủ tất cả các tình tiết, không gian, thời gian, địa điểm phạm tội…để có thể xác định nguyên nhân nào trực tiếp dẫn đến hậu quả chết người.
– Chủ thể của tội giết người là bất kỳ, nhưng phải là người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự và phải là người đủ 14 tuổi trở lên, vì tội giết người là tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng (theo điều 12 tuổi chịu trách nhiệm hình sự).
– Về phía nạn nhân phải là người còn sống: giết một đứa trẻ mới ra đời cũng là giết người; Giết người sắp chết cũng là hành vi giết người. Nếu một người đã chết thì mọi hành vi xâm phạm xác chết đó không phải là hành vi giết người mà có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt theo Điều 246 bộ luật hình sự. Tuy nhiên lưu ý là nếu giết một người phụ nữ mang thai thì không được coi là giết nhiều người mà sẽ áp dụng tình tiết tăng nặng là giết phụ nữ có thai (nếu là tình tiết định khung hình phạt thì không áp dụng là tình tiết tăng nặng nữa).
1. Phạm tội theo khoản 1 Điều 93
Người phạm tội giết người theo khoản 1 Điều 93 có thể bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình nếu thuộc một trong các trường hợp quy định:
a) Giết nhiều người
Giết nhiều người là trường hợp người phạm tội có ý định giết từ hai người trở lên hoặc có ý thức bỏ mặc cho hậu quả nhiều người chết xảy ra.
Chỉ cần xác định người phạm tội có ý định giết nhiều người là thuộc trường hợp phạm tội này mà không nhất thiết phải có nhiều người chết. Ví dụ: A mâu thuẫn với nhà B (có 4 người) nên có ý định giết cả 4 người nhà B, A đầu độc vào nước uống của nhà B nhưng do liều lượng không đủ nên không ai bị chết, được đi cấp cứu kịp thời. Khi đó A vẫn thuộc trường hợp giết nhiều người. Tuy nhiên, nếu là trường hợp bỏ mặc cho hậu quả nhiều người chết xảy ra thì phải có ít nhất hai người chết trở lên.
b) Giết phụ nữ mà biết là có thai
Đây là trường hợp người phạm tội biết rõ nạn nhân là phụ nữ đang có thai (không kể tháng thứ mấy). Nếu người phạm tội không biết nạn nhân mang thai (mặc dù nạn nhân có mang thai thật) thì cũng không thuộc trường hợp định khung này. Tuy nhiên, tùy theo từng hoàn cảnh vụ việc cụ thể mà Tòa án có thể áp dụng tình tiết tăng nặng theo điểm h khoản 1 Điều 48: “phạm tội đối với phụ nữ có thai”.
Tiểu mục 2.3 nghị quyết 01/2006/NQ-HĐTP quy định: “2.3. "Phụ nữ có thai" được xác định bằng các chứng cứ chứng minh là người phụ nữ đó đang mang thai, như: bị cáo và mọi người đều nhìn thấy được hoặc bị cáo nghe được, biết được từ các nguồn thông tin khác nhau về người phụ nữ đó đang mang thai. Trong trường hợp thực tế khó nhận biết được người phụ nữ đó đang có thai hay không hoặc giữa lời khai của bị cáo và người bị hại về việc này có mâu thuẫn với nhau thì để xác định người phụ nữ đó có thai hay không phải căn cứ vào kết luận của cơ quan chuyên môn y tế hoặc kết luận giám định”.
c) Giết trẻ em
Tiểu mục 2.2 nghị quyết 01/2006/NQ-HĐTP quy định: “2.2. "Trẻ em" được xác định là người dưới 16 tuổi theo quy định tại Điều 1 của Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em”.
d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân
Đây là trường hợp người bị giết là người đang thi hành công vụ, tức là đang đi làm nhiệm vụ được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giao phó. Ví dụ như công an đang làm nhiệm vụ; bác sỹ đang chữa bệnh; thẩm phán, kiểm sát viên ở phiên tòa…Nạn nhân chết phải là lúc đang thi hành công vụ thì mới thuộc trường hợp này, còn lại sẽ là giết người trong trường hợp thường hoặc trường hợp khác. Ví dụ, một người làm bác sỹ bị giết khi đang ở nhà mình thì không phải giết người đang thi hành công vụ.
đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình
Về tình tiết “thầy giáo, cô giáo của mình” có thể tham khảo tiểu mục 3.3 mục 3 nghị quyết 01/2006/NQ-HĐTP quy định về tình tiết này tại điểm đ khoản 1 Điều 104 bộ luật hình sự: “a) Chỉ áp dụng tình tiết "đối với thầy giáo, cô giáo của mình" quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 104 của BLHS để xét xử bị cáo theo khoản 1 Điều 104 của BLHS khi có đầy đủ các điều kiện sau đây:
a.1) Nạn nhân phải là thầy giáo, cô giáo tức là người đã hoặc đang làm công tác giảng dạy theo biên chế hoặc theo hợp đồng tại cơ quan, tổ chức có chức năng giáo dục, đào tạo, dạy nghề được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép;
a.2) Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của nạn nhân là vì lý do thực hiện nhiệm vụ giáo dục, đào tạo, dạy nghề của họ đối với bị cáo, không phân biệt nhiệm vụ đó đã được thực hiện hay đang được thực hiện và không kể thời gian dài hay ngắn;
…”.
e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại phạm một tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng
Là trường hợp trước hoặc sau khi thực hiện hành vi giết người, người phạm tội lại phạm một tội khác rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng. Ta có thể hiểu “liền trước đó” hoặc “ngay sau đó” là một khoảng thời gian phải liền kề với hành vi giết người, có thể là cách vài giờ hoặc trong cùng một ngày…Nếu khoảng thời gian cách nhau lâu (2 ngày, 3 ngày…) thì không thuộc trường hợp này.
Theo khoản 3 Điều 8 bộ luật Hình sự thì: tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại rất lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến mười lăm năm tù; tội đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại đặc biệt lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là trên mười lăm năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.
g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác
– Giết người để thực hiện tội phạm khác là trường hợp người phạm tội thực hiện hành vi giết người rồi ngay sau đó thực hiện hành vi phạm tội khác. Tội khác có thể tội bất kỳ được quy định trong bộ luật hình sự và có đặc điểm là hành vi phạm tội khác có liên quan mật thiết đến hành vi giết người. Hành vi giết người là tiền đề, là một cách thức để thực hiện tội phạm sau, nếu không giết người thì không thực hiện được tội phạm sau. Ví dụ như giết người để cướp của; giết người để trốn đi nước ngoài…
– Giết người để che giấu tội khác là trường hợp trước khi giết người, người phạm tội đã thực hiện một hành vi phạm tội khác và để che giấu tội phạm trước đó thì buộc phải giết người. Giữa hành vi phạm tội khác và hành vi giết người có mối liên hệ mật thiết với nhau; hành vi giết người nhằm che giấu cho hành vi phạm tội trước đó. Thực tiễn phạm tội trường hợp này thường chúng ta hay hiểu với nhau là: “giết người bịt miệng”, người phạm tội sợ bị lộ, sợ bị phát giác hành vi phạm tội trước đó nên giết người để che giấu. Ví dụ: A trộm cắp ở nhà B, sau khi trộm cắp được tài sản, nhảy ra ngoài thì bị C phát hiện. A giết C để che giấu hành vi trộm cắp.
h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân
Đây là trường hợp người phạm tội sau khi giết người đã lấy một hoặc một vài bộ phận cơ thể nạn nhân (mắt, thận, tim…) để thay thế hoặc để bán cho người khác dùng để thay thế.
i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ
Chưa có hướng dẫn cụ thể thế nào là “man rợ” nhưng thực tiễn cho thấy phạm tội một cách man rợ là làm cho nạn nhân đau đớn, quằn quại cho đến chết ví dụ như mổ bụng, moi gan, tra tấn, chặt chân tay, rút gân, móc mắt…hoặc sau khi giết chết nạn nhân thì chặt đầu, chân, tay…để phi tang khắp nơi. Hành vi phạm tội man rợ còn thể hiện gây xôn xao, căm phẫn trong dư luận vì người phạm tội một cách dã man, ngoài sức tưởng tượng của mọi người...; hành vi phạm tội khiến nhiều người sợ hãi…
k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp
Là trường hợp người phạm tội sử dụng nghề nghiệp của mình để làm phương tiện giết người và cũng sử dụng nó để che giấu tội phạm. Thông thường phạm tội trong trường hợp này, Tòa án thường áp dụng thêm tình tiết tăng nặng là “dùng thủ đoạn xảo quyệt” vì bằng cách lợi dụng nghề nghiệp của mình mà thực hiện hành phạm tội thì khó có thể phát hiện ra được…Ví dụ người bác sỹ giết chết bệnh nhân là người có mâu thuẫn với mình nhưng kê khai bệnh án là do mắc bệnh hiểm nghèo…
l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người
Phương pháp có khả năng làm chết nhiều người là nói đến tính năng, tác dụng của phương tiện mà người phạm tội sử dụng khi phạm tội có tính nguy hiểm cao, có thể gây thương vong cho nhiều người. Lưu ý, khi xem xét phương pháp này thì chỉ cần xác định xem nó có khả năng làm chết nhiều người không thì đã thuộc trường hợp này chứ không nhất thiết phải có chết người xảy ra. Ví dụ: A đốt nhà B nhằm giết B, đám cháy lây lan ra nhiều nhà xung quanh… hay C ném lựu đạn vào chỗ đông người…
m) Thuê giết người hoặc giết người thuê
¬– Thuê giết người là trường hợp một người trả cho người khác tiền hoặc một lợi ích khác để người đó thay mình giết người mình muốn giết.
– Giết người thuê là trường hợp người phạm tội lấy việc giết người làm phương tiện để kiếm tiền hoặc vì một lợi ích khác. Lưu ý, nếu giết người vì nể hoặc sợ người khác thì không phải là giết người thuê.
n) Có tính chất côn đồ
Khi phạm tội, người phạm tội có những hành vi ngang ngược, coi thường các quy tắc sống, giết người vô cớ, gây sự giết người hoặc giết người vì những chuyện nhỏ nhặt…Lưu ý, khi xem xét người phạm tội có tính chất côn đồ không thì phải xem xét khách quan, cụ thể các tình tiết, bản chất của sự việc phạm tội; nghiêm cấm việc chỉ dựa vào thân nhân người phạm tội đã kết luận người phạm tội có tính chất côn đồ.
o) Có tổ chức
Là trường hợp nhiều người tham gia vào một vụ giết người, có sự cấu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện việc giết người; có sự phân công; có kẻ chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc giết người; kẻ trực tiếp giết người; kẻ giúp sức…
p) Tái phạm nguy hiểm
Quy định tại khoản 2 Điều 49 bộ luật hình sự:
“Những trường hợp sau đây được coi là tái phạm nguy hiểm:
a) Đã bị kết án về tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xóa án tích mà lại phạm tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý;
b) Đã tái phạm, chưa được xóa án tích mà lại phạm tội do cố ý”.
q) Vì động cơ đê hèn
Chưa có hướng dẫn cụ thể thế nào là đe hèn nhưng qua thực tiễn xét xử thì động cơ đê hèn có thể có những động cơ trái với đạo đức xã hội, trái với lẽ sống thông thường...Ví dụ như: giết vợ hoặc chồng để tự do lấy người khác; giết người tình vì biết có thai để trốn tránh trách nhiệm; giết người để trốn nợ; giết người là ân nhân của mình hoặc gia đình mình; giết người để cướp của; giết người vì lời thách thức...Tuy nhiên, tùy từng trường hợp, Tòa án phải xem xét một cách khách quan, toàn diện thì mới được khẳng định người phạm tội với động cơ đê hèn.
2. Phạm tội theo khoản 2 Điều 93
“Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm”.
Đây là trường hợp giết người nhưng cơ quan tố tụng không chứng minh được người phạm tội có các tình tiết định khung hình phạt theo khoản 1 Điều 93. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, việc người phạm tội giết người thường có những động cơ, mục đích nhất định, đối tượng tác động cũng khá đa dạng; cách thức thực hiện ngày một tinh vi, man rợ...nên phần lớn người phạm tội giết người theo khoản 1 Điều 93. Trường hợp phạm tội theo khoản 2 Điều 93 thường ít gặp.
* Khoản 3 Điều 93 quy định hình phạt bổ xung: “3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm”.
Trên đây là các nội dung tư vấn của Luật Huy Thành để Quý Khách hàng tham khảo. Các vấn đề khác cần tham vấn hoặc hỗ trợ pháp lý, đề nghị Quý Khách hàng liên hệ với Luật Huy Thành qua Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 1900 6179 hoặc qua mobile để yêu cầu dịch vụ của Luật sư Nguyễn Văn Thành - Luật sư Giỏi tại Hà Nội: 0909 763 190.
Bạn tham khảo bài viết liên quan TẠI ĐÂY