Có thể thấy, trong hoạt động kinh doanh hiện nay thì muốn giới thiệu được sản phẩm, dịch vụ tới tay khách hàng thì phương án sử dụng quảng cáo là cách nhanh nhất, hiệu quả nhất để phổ biến tới phần đông khách hàng. Hiện nay, hoạt động quảng cáo trên lãnh thổ Việt Nam được điều chỉnh bởi luật quảng cáo 2012 và các văn bản hướng dẫn liên quan. Luật quảng cáo có hiệu lực từ 1/1/2013. Những mặt tích cực mà nó đem lại là không thể phủ nhận, khi đó quảng cáo tại Việt Nam đã dần trở nên chuyên nghiệp hơn. Tuy nhiên, bên cạnh luật quảng cáo 2012 vẫn còn những hạn chế cần sớm khắc phục để hoạt động quảng cảo được hoàn thiện hơn. Bài viết này xin nêu một số quan điểm cá nhân về những hạn chế của Luật quảng cáo 2012.
1. Quy định còn chưa đầy đủ về hội đồng thẩm định sản phẩm quảng cáo
Hội đồng thẩm định sản phẩm quảng cáo là tổ chức giúp Bộ văn hóa, thể thao và du lịch xem xét và kết luận về sự phù hợp của sản phẩm quảng cáo với quy định của pháp luật khi tổ chức, cá nhân có yêu cầu thẩm định sản phẩm quảng cáo. Vai trò của Hội đồng thẩm định là rất cần thiết và quan trọng. Tuy nhiên vấn đề đặt ra ở đây là pháp luật chưa quy định cụ thể nếu tổ chức, cá nhân có yêu cầu thẩm định không đồng ý với kết luận của hội đồng thẩm định thì giải quyết thế nào? Khi đó cũng không có tổ chức nào đứng ra làm trọng tài cho hai bên. Thông tư 10/2013/TT-BVHTTDL ngày 06/12/2013 cũng chỉ quy định về thành lập, cơ chế hoạt động và quy trình thẩm định sản phẩm quảng cáo mà không quy định về cách giải quyết nếu có mâu thuẫn xảy ra.
Do vậy, kiến nghị nên có bổ sung thêm quy định giải quyết nếu có mâu thuẫn giữa hai bên xảy ra. Theo quan điểm cá nhân thì nên tăng quyền hạn cho Hội đồng thẩm định sản phẩm quảng cáo là kết luận của Hội đồng thẩm định đó có giá trị pháp luật, buộc tổ chức, cá nhân đó phải thực hiện. Bởi vì những lý sau:
+ Thứ nhất: như theo quy định thì thành phần Hội đồng thẩm định gồm bộ văn hóa, thể thao và du lịch, đại diện tổ chức nghề nghiệp về quảng cáo và các chuyên gia trong lĩnh vực có liên quan. Thành phần này có thể nói là đầy đủ các thành phần chuyên môn, có uy tín…do vậy, kết luận về sản phẩm quảng cáo phải có giá trị nhất định.
+ Thứ hai: Việc tổ chức, cá nhân muốn quảng cáo một sản phẩm thì có nhiều sự sáng tạo khác nhau về nội dung một sản phẩm quảng cáo. Việc Hội đồng thẩm định không đồng ý với sản phẩm quảng cáo đó về nội dung vì có thể theo ý họ một hoặc một số chi tiết quảng cáo nào đó không phù hợp thì cá nhân, tổ chức đó buộc phải tuân thủ và có thể thay đổi chi tiết đó cho phù hợp. Chi phí để thay đổi cũng không quá lớn nếu đi so sánh với giá trị của sản phẩm đó nếu được quảng cáo trên các phương tiện. Do vậy, kết luận của hội đồng thẩm định buộc cá nhân, tổ chức phải tuân thủ.
+ Thứ ba: Nếu không quy định giá trị pháp lý của kết luận của Hội đồng thẩm định thì cá nhân tổ chức yêu cầu thẩm định cũng sẽ không cần tuân thủ theo kết luận đó. Nếu vẫn đang xảy ra mâu thuẫn giữa hai bên mà bên cá nhân, tổ chức vẫn quảng cáo trên phương tiện quảng cáo thì khó có chế tài xử lý họ. Mặt khác, nếu hai bên đã không thống nhất được quan điểm về tính phù hợp của sản phẩm quảng cáo đó mà quảng cáo đó vẫn đến được với công chúng thì chắc chắn cũng lại có rất nhiều ý kiến trái chiều nhau về quảng cáo đó, từ đó cũng rất dễ phát sinh các tình huống đáng tiếc. Do vậy, việc quy định kết luận của Hội đồng thẩm định sản phẩm quảng cáo có giá trị pháp luật là hoàn toàn cần thiết.
2. Yêu cầu đối với nội dung quảng cáo
Khoản 1 Điều 19 quy định: “Nội dung quảng cáo phải bảo đảm trung thực, chính xác, rõ ràng, không gây thiệt hại cho người sản xuất, kinh doanh và người tiếp nhận quảng cáo”.
Có thể thấy quy định này rất chung chung, đó là chỉ là các yêu cầu cơ bản của nội dung quảng cáo, không thể hiện rõ thế nào là rõ ràng, thế nào là không gây thiệt hại cho người sản xuất, kinh doanh…
Quy định trên pháp luật là vậy nhưng thực tế thì chúng ta có thể thấy rất nhiều các quảng cáo không chính xác, rõ ràng…vẫn xuất hiện hằng ngày. Ví dụ như các hãng hàng không giá rẻ thường quảng cáo giá vé rất hấp dẫn như bay từ Hà Nội sang Thái Lan hoặc từ thành phố Hồ Chí Minh sang Singapore chỉ tốn 25 đôla. Đáng nhẽ ra họ phải ghi rõ giá này chưa bao gồm nhiều loại phí khác và mỗi chuyến bay chỉ có một tỷ lệ nhỏ ghế ngồi bán theo loại này; hay như các quảng cáo với nội dung chỉ cần học một tháng có thể nói thông thạo Tiếng anh; hay như quảng cáo về những tính năng không hề có như: “uống sữa G giúp con bạn biết chia sẻ” – ai cũng biết rằng trẻ em có biết chia sẻ hay không là do giáo dục, không liên quan gì đến việc uống sữa…
Do vậy, kiến nghị luật nên có những quy định cụ thể và rõ ràng hơn về nội dung quảng cáo. Nên có những nghị định hướng dẫn quy định về các nội dung quảng cáo và tăng cường kiểm tra, thẩm định các sản phẩm quảng cáo trên thực tế…
3. Quảng cáo trên báo nói, báo hình
a) Khoản 1 và khoản 2 Điều 22 quy định: “1.Thời lượng quảng cáo trên báo nói, báo hình không được vượt quá 10% tổng thời lượng chương trình phát sóng một ngày của một tổ chức phát sóng, trừ thời lượng quảng cáo trên kênh, chương trình chuyên quảng cáo; phải có dấu hiệu phân biệt nội dung quảng cáo với các nội dung khác.
2. Thời lượng quảng cáo trên kênh truyền hình trả tiền không vượt quá 5% tổng thời lượng chương trình phát sóng một ngày của một tổ chức phát sóng, trừ kênh, chương trình chuyên quảng cáo”.
Có thể thấy rằng, quy định khó có thể thực thi trên thực tế bởi vì:
+ Thứ nhất, người xem trên báo nói, báo hình không tự biết xem trong một ngày họ phải xem quảng cáo chiếm bao nhiêu % tổng thời lượng chương trình phát sóng; nếu như báo nói, báo hình đó có quảng cáo trên 10% (hoặc quá 5% với kênh truyền hình trả tiền) thì người tiếp nhận cũng không thể biết được và họ vẫn phải tiếp nhận mặc dù quyền lợi bị ảnh hưởng.
+ Thứ hai, việc quy định cách tính thời lượng cũng không rõ ràng, cụ thể. Việc một báo nói báo hình quảng cáo trên 10% (hay 5%) cũng khó có thể kiểm tra, xử lý. Mặt khác, trên thực tế thì hầu như các kênh truyền hình đều có thời lượng quảng cáo quá nhiều, gây nhiều khó chịu cho người xem, có thể kể ra nhiều kênh như VTV1, VTV3, VTC1, VTC6, VTC7, HTV7, HTV9, HN1…có thể thấy kênh quốc gia cũng có, kênh địa phương cũng có, đài truyền hình trả tiền cũng có…
Do vậy, các cơ quan có thẩm quyền phải thường xuyên thanh tra, kiểm tra các báo nói, báo hình về thời lượng quảng cáo. Cần có những quy định cụ thể, kiểm soát chặt chẽ thời lượng quảng cáo trên báo nói, báo hình. Ngoài ra cũng cần có những chế tài nghiêm khắc nếu như phát hiện có sai phạm của báo nói, báo hình.
b) Khoản 4 Điều 22 quy định: “Mỗi chương trình phim truyện không được ngắt để quảng cáo quá hai lần, mỗi lần không quá 05 phút. Mỗi chương trình vui chơi giải trí không được ngắt để quảng cáo quá bốn lần, mỗi lần không quá 05 phút”.
Có thể dễ nhận thấy là quy định pháp luật là vậy nhưng thực tế là nhiều báo nói, báo hình ngắt quảng cáo nhiều lần, mỗi lần cũng là thời gian dài trên 5 phút…Cũng khó để xử lý được những sai phạm này mặc người xem cảm thấy khó chịu những họ cũng không có ý kiến gì với cơ quan chức năng nên tình trạng này vẫn diễn ra thường xuyên.
Do vậy, để hạn chế tình trạng này, theo ý kiến cá nhân thì pháp luật nên quy định là các chương trình truyền hình như phim truyện, chương trình giải trí…phải chiếu liên tục không được quảng cáo, đầu và cuối mỗi chương trình mới được quảng cáo và thời lượng quảng cáo không quá 10 phút. Quy định như này sẽ giúp người xem có được sự thoải mái khi xem; các chương trình quảng cáo cũng được tập trung và nhiều thời lượng giúp tăng thu cho báo nói, báo hình…
4. Quảng cáo trên phương tiện điện tử, thiết bị đầu cuối và các thiết bị viễn thông khác.
Điều 24 quy định: “Tổ chức, cá nhân chỉ được phép gửi tin nhắn và thư điện tử quảng cáo khi có sự đồng ý trước của người nhận”.
Trên thực tế, không cần có ý kiến của người nhận thì các tin nhắn quảng cáo vẫn đến thiết bị người nhận. Đó là một thực trạng phổ biến và đang rất nhức nhối hiện này là tình trạng tin nhắn rác quảng cáo tràn lan. Do vậy, để chấm dứt tình trạng này, cần có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng. Các cơ quan này mà chủ yếu là bộ Thông tin truyền thông cần phải có các biện pháp mạnh mẽ, yêu cầu các nhà mạng siết chặt tin nhắn quảng cáo; phát hiện kịp thời các tổ chức, cá nhân có hành vi tung tin nhắn quảng cáo tràn làn để xử lý làm gương… Có như vậy mới có thể hạn chế được tình trạng này.
Trên đây là các nội dung tư vấn của Luật Huy Thành để Quý Khách hàng tham khảo. Các vấn đề khác cần tham vấn hoặc hỗ trợ pháp lý, đề nghị Quý Khách hàng liên hệ với Luật Huy Thành qua Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 1900 6179 hoặc qua mobile để yêu cầu dịch vụ của Luật sư Nguyễn Văn Thành - Luật sư Giỏi tại Hà Nội: 0909 763 190.
Bạn tham khảo bài viết liên quan TẠI ĐÂY