Hợp đồng nhượng quyền thương mại

05/01/2018

Nhượng quyền thương mại là hoạt động thương mại, theo đó bên nhượng quyền cho phép và yêu cầu bên nhận quyền tự mình tiến hành việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ 

Ở Việt Nam, hoạt động nhượng quyền thương mại lần đầu tiên được ghi nhận như là một hoạt động thương mại độc lập trong Luật Thương mại năm 2005 từ Điều 284 đến Điều 291, hoạt động này được hướng dẫn chi tiết tại Nghị định số 35/2006/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động nhượng quyền thương mại và Thông tư 09/2006/TT-BTM hướng dẫn đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại.

Điều 284 Bộ luật Thương mại năm 2005 định nghĩa: “Nhượng quyền thương mại là hoạt động thương mại, theo đó bên nhượng quyền cho phép và yêu cầu bên nhận quyền tự mình tiến hành việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ theo các điều kiện sau đây:

1. Việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ được tiến hành theo cách thức tổ chức kinh doanh do bên nhượng quyền quy định và được gắn với nhãn hiệu hàng hoá, tên thương mại, bí quyết kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, quảng cáo của bên nhượng quyền;

2. Bên nhượng quyền có quyền kiểm soát và trợ giúp cho bên nhận quyền trong việc điều hành công việc kinh doanh”.

Pháp luật Việt Nam không đưa ra định nghĩa về hợp đồng nhượng quyền thương mại mà chỉ quy định về hình thức của loại hợp đồng này tại Điều 285 Luật Thương mại năm 2005. Khoản 8, khoản 10 Điều 3 Nghị định 35/2006/NĐ-CP đưa ra định nghĩa “hợp đồng phát triển quyền thương mại” và “hợp đồng nhượng quyền thương mại thứ cấp” là hai loại hợp đồng nhượng quyền thương mại.

Dựa vào định nghĩa nhượng quyền thương mại tại điều 284 Luật Thương mại 2005 có thể hiểu: “Hợp đồng nhượng quyền thương mại là thỏa thuận giữa bên nhượng quyền và bên nhận quyền về việc chuyển giao quyền sử dụng và khai thác quyền thương mại”. Trong đó bên nhượng quyền cho phép và yêu cầu bên nhận quyền tự mình tiến hành việc mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ theo các điều kiện sau:

Một là việc mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ được tiến hành theo cách thức tổ chức kinh doanh do bên nhượng quyền quy định và được gắn với nhãn hiệu hàng hóa, tên thương mại, bí quyết kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, quảng cáo của bên nhượng quyền;

Hai là bên nhượng quyền được nhận một khoản tiền nhượng quyền, có quyền kiểm soát và trợ giúp cho bên nhận quyền trong việc điều hành công việc kinh doanh.

(ảnh minh họa: hợp đồng nhượng quyền thương mại được pháp luật quy định như thế nào?)

Về hình thức của hợp đồng nhượng quyền thương mại: Điều 285 Luật Thương mại quy định: “Hợp đồng nhượng quyền thương mại phải được lập thành văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương”

Về nội dung của hợp đồng nhượng quyền thương mại: Điều 11 Nghị định 35/2006/NĐ-CP quy định:

“Trong trường hợp các bên lựa chọn áp dụng luật Việt Nam, hợp đồng nhượng quyền thương mại có thể có các nội dung chủ yếu sau đây:

1. Nội dung của quyền thương mại.

2. Quyền, nghĩa vụ của Bên nhượng quyền.

3. Quyền, nghĩa vụ của Bên nhận quyền.

4. Giá cả, phí nhượng quyền định kỳ và phương thức thanh toán.

5. Thời hạn hiệu lực của hợp đồng.

6. Gia hạn, chấm dứt hợp đồng và giải quyết tranh chấp”.

 Về ngôn ngữ của hợp đồng nhượng quyền thương mại: Điều 12 Nghị định 35/2006/NĐ-CP quy định:

“Hợp đồng nhượng quyền thương mại phải được lập bằng tiếng Việt. Trường hợp nhượng quyền từ Việt Nam ra nước ngoài, ngôn ngữ của hợp đồng nhượng quyền thương mại do các bên thoả thuận”.

Về thời hạn của hợp đồng nhượng quyền thương mại: Điều 13 Nghị định 35/2006/NĐ-CP quy định:

1. Thời hạn hợp đồng nhượng quyền thương mại do các bên thoả thuận.

  2. Hợp đồng nhượng quyền thương mại có thể chấm dứt trước thời hạn thoả thuận trong các trường hợp quy định tại Điều 16 của Nghị định này”.

Về thời điểm có hiệu lực của hợp đồng nhượng quyền thương mại: Điều 14 Nghị định 35/2006/NĐ-CP quy định:

“1. Hợp đồng nhượng quyền thương mại có hiệu lực từ thời điểm giao kết trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác.

  2. Nếu trong hợp đồng nhượng quyền thương mại có phần nội dung về chuyển giao quyền sử dụng đối tượng sở hữu trí tuệ thì phần đó có hiệu lực theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ”.

Trên đây là các nội dung tư vấn của Luật Huy Thành để Quý khách hàng tham khảo. Các vấn đề khác cần tham vấn hoặc hỗ trợ pháp lý, đề nghị Quý Khách hàng liên hệ với Luật Huy Thành qua Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí  19006179 hoặc qua mobile để yêu cầu dịch vụ của Luật sư Nguyễn Văn Thành - Luật sư Giỏi tại Hà Nội: 0909 763 190.

Bạn tham khảo bài viết liên quan TẠI ĐÂY.

bttop