Kháng nghị trong Tố tụng hình sự

05/01/2018

Ngoài những người có quyền kháng cáo phúc thẩm quy định tại Điều 231 Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) thì pháp luật còn quy định Viện kiểm sát có quyền kháng nghị bản án, quyết định sơ thẩm.

Điều 232 BLTTHS quy định: “Viện kiểm sát cùng cấp và Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp có quyền kháng nghị những bản án hoặc quyết định sơ thẩm”
Theo quy định tại Điều 232 của BLTTHS thì Viện kiểm sát cùng cấp và Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp có quyền kháng nghị những bản án hoặc quyết định sơ thẩm. Kháng nghị của Viện kiểm sát phải làm bằng văn bản, có nêu rõ lý do và được gửi đến Toà án đã xử sơ thẩm vụ án (khoản 2 Điều 233 của BLTTHS). Thời hạn kháng nghị đối với các quyết định của Toà án cấp sơ thẩm của Viện kiểm sát cùng cấp là bảy ngày, của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là mười lăm ngày, kể từ ngày Toà án ra quyết định (khoản 1 Điều 239 của BLTTHS).
Khi nhận được kháng nghị của Viện kiểm sát, Toà án cấp sơ thẩm cần giải quyết như sau:
- Trường hợp kháng nghị đối với quyết định tạm đình chỉ hoặc đình chỉ vụ án của Toà án cấp sơ thẩm, thì Toà án cấp sơ thẩm phải gửi hồ sơ vụ án và kháng nghị cho Toà án cấp phúc thẩm trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị
- Trường hợp Viện kiểm sát cùng cấp kháng nghị quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm về việc áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh, thì căn cứ vào khoản 2 Điều 316 BLTTHS, việc kháng nghị và xét kháng nghị được tiến hành như đối với bản án sơ thẩm.
- Trường hợp kháng nghị đối với các quyết định khác, thì Toà án cấp sơ thẩm phải căn cứ vào quy định của BLTTHS và các văn bản pháp luật liên quan quy định về thẩm quyền và thủ tục kháng nghị, giải quyết kháng nghị cụ thể đó để giải quyết.
Ví dụ: Viện kiểm sát cùng cấp căn cứ vào Điều 232 và Điều 239 của BLTTHS, khoản 6 Điều 27 của Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân kháng nghị Lệnh tạm giam của Chánh án Toà án nhân dân huyện Q đối với bị cáo Nguyễn Thị M với lý do bị cáo M đang nuôi con dưới ba mươi sáu tháng tuổi và không thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b và c khoản 2 Điều 88 của BLTTHS. Trong trường hợp này sau khi nhận được kháng nghị của Viện kiểm sát, Chánh án Toà án nhân dân huyện Q phải xem xét lý do kháng nghị của Viện kiểm sát cùng cấp có đúng hay không. Nếu đúng thì căn cứ vào Điều 177 của BLTTHS ra quyết định huỷ bỏ biện pháp tạm giam đối với bị cáo M, nếu không đúng thì có văn bản trả lời cho Viện kiểm sát biết về việc không chấp nhận kháng nghị, trong đó nêu rõ lý do của việc không chấp nhận kháng nghị.

Trên đây là các nội dung tư vấn của Luật Huy Thành để Quý Khách hàng tham khảo. Các vấn đề khác cần tham vấn hoặc hỗ trợ pháp lý, đề nghị Quý Khách hàng liên hệ với Luật Huy Thành qua Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 1900 6179 hoặc qua mobile để yêu cầu dịch vụ của Luật sư Nguyễn Văn Thành - Luật sư Giỏi tại Hà Nội: 0909 763 190.

Bạn tham khảo bài viết liên quan TẠI ĐÂY

bttop