Bí mật thông tin người tố cáo

05/01/2018

Câu hỏi:
Tôi có vấn đề này mong được giải đáp. Người bạn của tôi có tâm sự là có biết nhiều việc vi phạm pháp luật của đồng nghiệp làm cùng cơ quan và định thực hiện việc tố cáo ra pháp luật. Tuy nhiên, bạn tôi sợ việc tố cáo sẽ ảnh hưởng đến công việc của người bạn tôi, sợ sẽ bị trù dập, gây khó dễ…vì người vi phạm kia cũng có nhiều mối quan hệ quen biết tại chỗ làm. Vậy cho tôi hỏi nếu bạn tôi thực hiện việc tố cáo thì có thể được giữ bí mật thông tin không? Xin được hỗ trợ hồi đáp.

Trả lời:

Kính gửi anh/chị, tình huống của anh/chịbộ phận tư vấn pháp luật tổng đài 1900 6179 của chúng tôi xin giải đáp như sau:

Điểm b khoản 1 Điều 9 Luật tố cáo 2011 quy định về quyền của người tố cáo:
“Điều 9. Quyền và nghĩa vụ của người tố cáo
1. Người tố cáo có các quyền sau đây:
b) Được giữ bí mật họ, tên, địa chỉ, bút tích và các thông tin cá nhân khác của mình;”.
Điều 12 Nghị định 76/2012/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật tố cáo:
“Điều 12. Bảo vệ bí mật thông tin về người tố cáo trong quá trình tiếp nhận, thụ lý, giải quyết tố cáo
1. Khi tiếp nhận tố cáo, thụ lý giải quyết tố cáo, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải nghiên cứu, xác định nội dung vụ việc, những thông tin nếu tiết lộ sẽ gây bất lợi cho người tố cáo để áp dụng biện pháp phù hợp nhằm giữ bí mật thông tin cho người tố cáo. Trường hợp cần thiết có thể lược bỏ họ tên, địa chỉ, bút tích, các thông tin cá nhân khác của người tố cáo ra khỏi đơn tố cáo và các tài liệu, chứng cứ kèm theo, đồng thời lưu trữ và quản lý thông tin về người tố cáo theo chế độ thông tin mật.
2. Trong quá trình giải quyết tố cáo, nếu có yêu cầu làm việc trực tiếp với người tố cáo, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, người giải quyết tố cáo phải bố trí thời gian, địa điểm và lựa chọn phương thức làm việc phù hợp để bảo vệ bí mật thông tin cho người tố cáo.
3. Trường hợp phát hiện người không có thẩm quyền có hành vi thu thập thông tin về người tố cáo, người giải quyết tố cáo có trách nhiệm áp dụng biện pháp theo thẩm quyền hoặc kiến nghị người có thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn hoặc xử lý đối với người có hành vi vi phạm”.
Như vậy, trường hợp người bạn của anh/chị thực hiện quyền tố cáo thì sẽ được giữ bí mật các thông tin về nhân thân, bút tích, địa chỉ…Ngoài ra, người bạn của anh/chị cũng có thể yêu cầu Cơ quan thụ lý đơn tố cáo áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, uy tín, tài sản...cho mình và người thân thích. Do vậy, người bạn của anh/chị hoàn toàn có thể yên tâm để thực hiện quyền tố cáo của mình theo quy định nếu phát hiện có sự việc vi phạm pháp luật.

Trên đây là các nội dung tư vấn của Luật Huy Thành để Quý Khách hàng tham khảo. Các vấn đề khác cần tham vấn hoặc hỗ trợ pháp lý, đề nghị Quý Khách hàng liên hệ với Luật Huy Thành qua Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 1900 6179 hoặc qua mobile để yêu cầu dịch vụ của Luật sư Nguyễn Văn Thành - Luật sư Giỏi tại Hà Nội: 0909 763 190.

Bạn tham khảo bài viết liên quan TẠI ĐÂY

bttop