Cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp

05/01/2018

Câu hỏi:
Bố tôi có 3 người con là tôi và 2 chị gái, mẹ tôi mất sớm. Khi còn sống bố tôi là chủ sở hữu mảnh đất rộng 130m2, có nhà trên đất, chị gái cả của tôi sống cùng với bố, còn tôi và chị hai đi làm ăn xa ít khi về nhà. Cuối năm 2015, bố tôi đột ngột qua đời không để lại di chúc; nhà đất nêu trên vẫn do chị tôi quản lý sử dụng, 3 chị em chưa phân chia. Cuối năm 2016, tôi và chị hai được biết chị cả tôi không hiểu cách gì đã xin được cấp giấy chứng nhận mang tên chị, do vậy tôi và chị hai không đồng ý và yêu cầu phân chia di sản thừa kế. Sau đó do chị cả tôi bất hợp tác nên tôi và chị hai đã khởi kiện ra Tòa án yêu cầu phân chia thừa kế theo quy định. Tuy nhiên, thời gian gần đây tôi được biết chị cả tôi đang có dấu hiệu muốn bán nhà đất đó cho một người họ hàng nhà chồng. Hiện tại vụ việc tranh chấp của tôi đang được Tòa án thụ lý giải quyết, vậy tôi phải làm gì để ngăn chặn việc chuyển nhượng nhà đất của chị gái tôi?

Trả lời:
Kính gửi anh, tình huống của anh, bộ phận tư vấn pháp luật tổng đài 1900 6179 – Công ty Luật TNHH Huy Thành xin giải đáp như sau:
Theo thông tin anh cung cấp thì hiện tại Tòa án đang thụ lý giải quyết vụ việc yêu cầu chia thừa kế; chị gái cả lại có dấu hiệu muốn chuyển nhượng nhà đất cho người khác (là tài sản đang có tranh chấp). Nếu muốn ngăn chặn việc chuyển nhượng nhà đất có thể xảy ra, anh có thể yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời “cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp” theo Điều 121 Bộ luật tố tụng dân sự 2015:
“Điều 121. Cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp
Cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp được áp dụng nếu trong quá trình giải quyết vụ án có căn cứ cho thấy người đang chiếm hữu hoặc giữ tài sản đang tranh chấp có hành vi chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp cho người khác”.
Anh có thể làm đơn đề nghị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời với các nội dung theo khoản 1 Điều 133 Bộ luật tố tụng dân sự 2015; đồng thời cung cấp cho Tòa án các chứng cứ để chứng minh việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là cần thiết (chứng cứ chứng minh chị gái anh thực hiện các thủ tục chuyển nhượng nhà đất đang có tranh chấp).
Sau khi nhận được đơn của anh, Tòa án sẽ xem xét và giải quyết đề nghị của anh theo các quy định của pháp luật tố tụng dân sự.

Trên đây là các nội dung tư vấn của Luật Huy Thành để Quý Khách hàng tham khảo. Các vấn đề khác cần tham vấn hoặc hỗ trợ pháp lý, đề nghị Quý Khách hàng liên hệ với Luật Huy Thành qua Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 1900 6179 hoặc qua mobile để yêu cầu dịch vụ của Luật sư Nguyễn Văn Thành - Luật sư Giỏi tại Hà Nội: 0909 763 190.

Bạn tham khảo bài viết liên quan TẠI ĐÂY

bttop