Chồng không ký đơn vợ có được ly hôn?

05/01/2018

Câu hỏi:
Mẹ em đã có một đời chồng, tuy nhiên không may bố em mất sớm nên ở nhà chỉ còn có mẹ và em sống với nhau tại căn nhà của bố để lại. Sau đó vài năm mẹ em đi bước nữa với một người cùng làm ở gần nhà. Sau khi mẹ em kết hôn thì người cha dượng này về ở cùng với mẹ con em. Tuy nhiên, người cha dượng này thường xuyên rượu chè, đánh chửi mẹ con em. Vì không chịu được tính của ông ta nên mẹ em đã gửi đơn xin ly hôn; tại tòa ông ta còn lớn tiếng đòi mẹ em phải chia đôi nhà đất thì ông ta mới chịu ly hôn mặc dù ông ta không có đóng góp gì…Vụ việc khiến mẹ em rất đau khổ. Xin Luật sư tư vấn giúp trường hợp của mẹ em có ly hôn được không? Căn nhà của mẹ con em có phải chia đôi cho ông ta không?

Trả lời:

Kính gửi bạn, tình huống của bạn,bộ phận tư vấn pháp luật tổng đài 1900 6179 – Công ty Luật TNHH Huy Thànhxin giải đáp như sau:

Khoản 1 Điều 56 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định:
“Điều 56. Ly hôn theo yêu cầu của một bên
1.Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được”.
Theo thông tin bạn cung cấp thì người cha dượng thường xuyên rượu chè, đánh chửi mẹ con bạn…Chúng tôi cho rằng hành vi của người cha dượng đó có dấu hiệu vi phạm quyền và nghĩa vụ của vợ chồng theo luật hôn nhân gia đình; ngoài ra hành vi đánh chửi vợ con có dấu hiệu hành vi bạo lực gia đình, khiến cho cuộc sống hôn nhân gia đình có thể không thể kéo dài… Do vậy, có cơ sở để Tòa án chấp nhận yêu cầu xin ly hôn của mẹ bạn.
Về việc phân chia tài sản sau khi ly hôn, khoản 3, 4 Điều 59 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định:
“Điều 59. Nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn
3. Tài sản chung của vợ chồng được chia bằng hiện vật, nếu không chia được bằng hiện vật thì chia theo giá trị; bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì phải thanh toán cho bên kia phần chênh lệch.
4. Tài sản riêng của vợ, chồng thuộc quyền sở hữu của người đó, trừ trường hợp tài sản riêng đã nhập vào tài sản chung theo quy định của Luật này.
Trong trường hợp có sự sáp nhập, trộn lẫn giữa tài sản riêng với tài sản chung mà vợ, chồng có yêu cầu về chia tài sản thì được thanh toán phần giá trị tài sản của mình đóng góp vào khối tài sản đó, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác”.
Về nguyên tắc, sau khi bố bạn mất đi thì tài sản là căn nhà sẽ là tài sản chung của mẹ và bạn (trừ trường hợp bố bạn có di chúc để lại nhà đất cho người khác). Như vậy nhà đất nêu trên được xác định là tài sản riêng của mẹ bạn trước thời kỳ hôn nhân. Nếu trong quá trình chung sống với người cha dượng, mẹ bạn đồng ý nhập tài sản là nhà đất đó là tài sản chung của vợ chồng thì khi giải quyết ly hôn sẽ được chia đôi theo quy định. Nếu mẹ bạn không đồng ý nhập tài sản chung thì đó vẫn là tài sản riêng của mẹ bạn, và khi đó nhà đất vẫn thuộc quyền sở hữu của mẹ bạn khi giải quyết ly hôn. Khi đó yêu cầu đòi chia nhà đất của người cha dượng là không có căn cứ.

Trên đây là tư vấn của Luật Huy Thành để Quý Khách hàng tham khảo. Các vấn đề khác cần tham vấn hoặc hỗ trợ pháp lý, đề nghị Quý Khách hàng liên hệ với Luật Huy Thành qua Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 19006179 hoặc qua mobile để yêu cầu dịch vụ của Luật sư Nguyễn Văn Thành - Luật sư Giỏi tại Hà Nội: 0909 763 190.

Bạn tham khảo bài viết liên quan TẠI ĐÂY

bttop