Lấy đồ siết nợ có phạm tội không?

05/01/2018

Câu hỏi:
Cháu tôi có cho vợ chồng ông T vay một khoản tiền 100 triệu đồng. Sau đó vợ chồng ông T không trả nợ theo hạn nên cháu tôi liên tục đòi tiền nhưng vợ chông T khất lần không trả. Hôm trước, cháu tôi cùng với vài người bạn đến nhà ông T để đòi nợ. Tại đây hai bên đã xảy ra xô xát, cháu tôi có đánh ông T vài cái rồi cùng mấy người bạn vào bê chiếc ti vi và vài vật dụng khác có giá trị để trừ khoản nợ của ông T. Sau đó vợ chồng ông T có kiện cháu tôi lên Công an, cháu tôi hiện đang bị mời gọi lên làm việc…Xin Luật sư giúp đỡ là hành vi của cháu tôi có phạm tội gì không? Có phải đi tù không?

Trả lời:

Kính gửi anh/chị, tình huống của anh/chị,bộ phận tư vấn pháp luật tổng đài 1900 6179 – Công ty Luật TNHH Huy Thànhxin giải đáp như sau:

Điều 133 Bộ luật hình sự quy định:
“Điều 133.  Tội cướp tài sản 
1. Người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến  mười lăm năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Sử dụng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30%;
e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;
g) Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm:
a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60%;
b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;
c) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười tám năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật  từ 61% trở lên hoặc làm chết người;
b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;
c) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm”.
Theo thông tin anh/chị cung cấp thì cháu anh/chị có hành vi đến nhà ông T để đòi nợ, sau đó hai bên xảy ra xô xát, cháu anh/chị đã đánh ông T rồi cùng với vài người nữa vào nhà bê ti vi và nhiều vật dụng có giá trị khác để siết nợ. Theo chúng tôi đánh giá, hành vi của cháu anh/chị có nhiều dấu hiệu phạm tội cướp tài sản theo Điều 133 nêu trên. Hành vi đánh ông T rồi vào lấy tài sản của ông T có đủ yếu tố cấu thành tội cướp tài sản nêu trên.
Việc vay mượn giữa cháu anh/chị và vợ chồng ông T là quan hệ dân sự giữa các bên; nếu vợ chồng ông T vi phạm nghĩa vụ trả nợ thì cháu anh/chị có quyền khởi kiện ra Tòa án có thẩm quyền để buộc vợ chồng ông T phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ. Còn hành vi đến nhà ông T dùng vũ lực để lấy tài sản đối trừ nợ là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm.
Do vậy, có căn cứ để cho rằng cháu anh/chị có thể có hành vi phạm tội theo Điều 133 Bộ luật hình sự. Tùy theo tính chất, mức độ hành vi phạm tội và giá trị tài sản lấy được, cháu anh/chị có thể phải chịu trách nhiệm hình sự theo các điều khoản tương ứng của Điều 133 Bộ luật hình sự.

Trên đây là các nội dung tư vấn của Luật Huy Thành để Quý Khách hàng tham khảo. Các vấn đề khác cần tham vấn hoặc hỗ trợ pháp lý, đề nghị Quý Khách hàng liên hệ với Luật Huy Thành qua Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 1900 6179 hoặc qua mobile để yêu cầu dịch vụ của Luật sư Nguyễn Văn Thành - Luật sư Giỏi tại Hà Nội: 0909 763 190.

Bạn tham khảo bài viết liên quan TẠI ĐÂY

bttop