NGƯỜI CHƯA THÀNH NIÊN PHẠM TỘI XỬ LÝ THẾ NÀO?

05/01/2018

Câu hỏi:
Con trai tôi 15 tuổi, do tính nghịch ngợm ham chơi nên một lần đã làm hư hỏng tài sản của hàng xóm trị giá khoảng 25 triệu đồng. Hiện tại, người hàng xóm đã gửi đơn tới Cơ quan Công an để yêu cầu giải quyết. Vậy cho tôi hỏi con tôi có bị xử lý hình sự không? Việc bồi thường giải quyết như thế nào?

Trả lời:
Kính gửi anh/chị, trường hợp của anh/chị chúng tôi xin đưa ra ý kiến trả lời như sau:
Theo khoản 1 Điều 143 Bộ luật hình sự quy định về tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản:
“1. Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác gây thiệt hại từ từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”.
Khoản 1 Điều 145 Bộ luật hình sự quy định về tội vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản:
“1. Người nào vô ý gây thiệt hại cho tài sản của người khác có giá trị  từ năm mươi triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm”.
Theo thông tin anh/chị cung cấp thì con trai anh/chị do nghịch ngợm ham chơi nên đã làm hư hỏng tài sản của người khác giá trị khoảng 25 triệu đồng. Ở đây, cần xem xét xác định lỗi của con trai anh/chị là lỗi cố ý hay vô ý. Nếu con trai anh/chị cố ý làm hư hỏng tài sản người hàng xóm thì có dấu hiệu của hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo khoản 1 Điều 143 Bộ luật hình sự; nếu do nghịch ngợm, con trai anh/chị vô ý làm hư hỏng tài sản của người hàng xóm thì có dấu hiệu của hành vi vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản theo khoản 1 Điều 145 Bộ luật hình sự.
Tuy nhiên, theo Điều 12 Bộ luật hình sự quy định:
“Điều 12.  Tuổi chịu trách nhiệm hình sự
1. Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm.
2. Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng”.
Do con trai anh/chị mới có 15 tuổi, do vậy sẽ không phải chịu trách hình sự về hành vi của mình gây ra do tội phạm quy định tại khoản 1 Điêu 143 hoặc tội phạm quy định tại khoản 1 Điều 145 là tội phạm ít nghiêm trọng (theo khoản 3 Điều 8 Bộ luật hình sự).
Tuy nhiên, hành vi của con trai anh/chị có thể bị xem xét xử phạt vi phạm hành chính theo điểm a khoản 2 Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CPquy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình nếu bị xác định là có hành vi cố ý làm hư hỏng tài sản người khác:
“2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a)Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác;”.
Mức phạt tiền đối với hành vi này là từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.

Về vấn đề bồi thường Dân sự, Điều 606 Bộ luật Dân sự 2005 quy định:
“Điều 606. Năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân
1. Người từ đủ mười tám tuổi trở lên gây thiệt hại thì phải tự bồi thường.
2. Người chưa thành niên dưới mười lăm tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại; nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu, trừ trường hợp quy định tại Điều 621 của Bộ luật này.
Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình.
3. Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự gây thiệt hại mà có người giám hộ thì người giám hộ đó được dùng tài sản của người được giám hộ để bồi thường; nếu người được giám hộ không có tài sản hoặc không đủ tài sản để bồi thường thì người giám hộ phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu người giám hộ chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ thì không phải lấy tài sản của mình để bồi thường”.
Như vậy, nếu con trai anh/chị có tài sản riêng thì sẽ bồi thường bằng tài sản của mình; nếu không đủ tài sản để bồi thường thì anh/chị (cha, mẹ) sẽ bồi thường phần còn thiếu đó hoặc bồi thường toàn bộ nếu con trai anh/chị không có tài sản riêng. Mức bồi thường sẽ được căn cứ vào thiệt hại thực tế đối với tài sản của người hàng xóm.

Trên đây là các nội dung tư vấn của Luật Huy Thành để Quý Khách hàng tham khảo. Các vấn đề khác cần tham vấn hoặc hỗ trợ pháp lý, đề nghị Quý Khách hàng liên hệ với Luật Huy Thành qua Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 1900 6179 hoặc qua mobile để yêu cầu dịch vụ của Luật sư Nguyễn Văn Thành - Luật sư Giỏi tại Hà Nội: 0909 763 190.

Bạn tham khảo bài viết liên quan TẠI ĐÂY

bttop