Người sử dụng lao động không được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động

05/01/2018

Câu hỏi: Đợt này công ty tôi đang lâm vào tình trạng kinh doanh khó khăn, sắp tới tôi không thể đảm bảo vấn đề lương cho nhân viên nên tôi có ý định sẽ chấm dứt hợp đồng lao động với một số người. Vậy tôi muốn hỏi có trường hợp nào tôi không được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không?

Trả lời:
Với tình huống này của anh/chị, tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6179 xin giải đáp như sau:
Điều 39 Bộ luật Lao động năm 2012 quy định những trường hợp người sử dụng lao động không được thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động: “1. Người lao động ốm đau hoặc bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đang điều trị, điều dưỡng theo quyết định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 38 của Bộ luật này.
2. Người lao động đang nghỉ hằng năm, nghỉ việc riêng và những trường hợp nghỉ khác được người sử dụng lao động đồng ý.
3. Lao động nữ quy định tại khoản 3 Điều 155 của Bộ luật này.
4. Người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội”.
Trong đó, điểm b khoản 1 Điều 38 Bộ luật Lao động năm 2012 quy định: “Người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 12 tháng liên tục đối với người làm theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, đã điều trị 06 tháng liên tục, đối với người lao động làm theo hợp đồng lao động xác định thời hạn và quá nửa thời hạn hợp đồng lao động đối với người làm theo hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa hồi phục.
Khi sức khỏe của người lao động bình phục, thì người lao động được xem xét để tiếp tục giao kết hợp đồng lao động”.
Khoản 3 Điều 155 Bộ luật Lao động 2012 quy định: “Người sử dụng lao động không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với lao động nữ vì lý do kết hôn, mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp người sử dụng lao động là cá nhân chết, bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết hoặc người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động”.
Như vậy, nếu người lao động của anh/chị thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 39 Bộ luật Lao động nêu trên thì anh/chị không được phép đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với họ.

Trên đây là các nội dung tư vấn của Luật Huy Thành để Quý Khách hàng tham khảo. Các vấn đề khác cần tham vấn hoặc hỗ trợ pháp lý, đề nghị Quý Khách hàng liên hệ với Luật Huy Thành qua Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 1900 6179 hoặc qua mobile để yêu cầu dịch vụ của Luật sư Nguyễn Văn Thành - Luật sư Giỏi tại Hà Nội: 0909 763 190.

Bạn tham khảo bài viết liên quan TẠI ĐÂY

bttop