Nghỉ việc vi phạm thời hạn báo trước

05/01/2018

Tình huống:
Anh A làm nhân viên công ty B từ năm 2006, ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn và nộp đơn nghỉ việc ngày 15/10/2013, trong đơn ghi nghỉ 45 ngày sau. Nhưng làm được 3 ngày kể từ 15/10 anh A tự ý nghỉ việc luôn. Vậy anh A phải chịu phạt như thế nào? Có được trợ cấp hay không?

Giải quyết
Khoản 3 Điều 37 Bộ luật lao động 2012 quy định:
“3. Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, nhưng phải báo cho người sử dụng lao động biết trước ít nhất 45 ngày, trừ trường hợp quy định tại Điều 156 của Bộ luật này”.

(ảnh minh họa: nghỉ việc vi phạm thời hạn báo trước)
Điều 41 quy định:
“Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật là các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động không đúng quy định tại các điều 37, 38 và 39 của Bộ luật này”.
– Ở vụ việc này, anh A đã làm đơn xin nghỉ, trong đơn ghi nghỉ 45 ngày sau nhưng làm được 3 ngày anh A đã tự ý nghỉ việc luôn. Như vậy, có thể coi anh A đã đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật.
Điều 43 quy định:
“Nghĩa vụ của người lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật
1. Không được trợ cấp thôi việc và phải bồi thường cho người sử dụng lao động nửa tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.
2. Nếu vi phạm quy định về thời hạn báo trước thì phải bồi thường cho người sử dụng lao động một khoản tiền tương ứng với tiền lương của người lao động trong những ngày không báo trước.
3. Phải hoàn trả chi phí đào tạo cho người sử dụng lao động theo quy định tại Điều 62 của Bộ luật này”.
Như vậy, theo quy định này, anh A sẽ không được trả trợ cấp thôi việc + phải bồi thường cho công ty B 1/2 tháng tiền lương trong hợp đồng lao động + bồi thường 42 ngày tiền lương do vi phạm thời hạn báo trước.
Phía công ty hoàn toàn có thể khởi kiện ra Tòa án yêu cầu anh A bồi thường. Lưu ý thời hiệu khởi kiện của vụ việc là 01 năm kể ngày ngày anh A tự ý nghỉ việc (quy định thời hiệu tại khoản 2 Điều 202 bộ luật lao động).

Trên đây là các nội dung tư vấn của Luật Huy Thành để Quý khách hàng tham khảo. Các vấn đề khác cần tham vấn hoặc hỗ trợ pháp lý, đề nghị Quý Khách hàng liên hệ với Luật Huy Thành qua Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí  19006179 hoặc qua mobile để yêu cầu dịch vụ của Luật sư Nguyễn Văn Thành - Luật sư Giỏi tại Hà Nội: 0909 763 190.

Bạn tham khảo bài viết liên quan TẠI ĐÂY.

bttop