Thu hồi đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp

05/01/2018

Câu hỏi: Gia đình ông X sử dụng 1.000m2 đất nông nghiệp. Diện tích khu đất này đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tháng 1/2000, UBND xã A thu hồi 1.000 m2 đất của gia đình ông X đổi cho một gia đình khác. Gia đình ông X không đồng ý với quyết định thu hồi đất của UBND xã A nhưng vẫn buộc phải thực hiện. Ông X làm đơn khiếu nại lên UBND xã A và được trả lời là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho gia đình ông X đến nay không còn giá trị. Sau đó, UBND xã A đã lấy mảnh đất nông nghiệp trên của ông bán cho người khác làm nhà ở.
Luật sư hãy cho tôi biết: Việc làm của UBND xã A là đúng hay sai?

Trả lời:
Cảm ơn anh/chị đã gửi câu hỏi đến tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6179 – Công ty Luật Huy Thành. Chúng tôi xin được giải đáp như sau:
Việc làm của UBND xã A là sai trong cả hai trường hợp thu hồi đất của ông X giao cho hộ gia đình khác và việc bán lại mảnh đất nông nghiệp của ông X cho người khác làm nhà ở:
1.1 Đối với quyết định thu hồi đất nông nghiệp của ông X:
Vụ việc bị thu hồi đất của UBND xã A đối với ông X xảy ra vào tháng 1/2000, thời điểm luật đất đai 2003 chưa được ban hành và có hiệu lực nên vụ việc này vẫn được xử lí theo Luật đất đai 1993.
Luật đất đai 1993 quy định về đất nông nghiệp như sau: “Đất nông nghiệp là đất được xác định chủ yếu để sử dụng vào sản xuất nông nghiệp như trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản hoặc nghiên cứu thí nghiệm về nông nghiệp”. Việc ông X đang sử dụng 1.000m2 đất nông nghiệp và diện tích khu đất này đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (không có thời hạn sử dụng đất). Có thể hiểu, trường hợp ông X được nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng với mục đích duy nhất là sản xuất nông nghiệp theo Điều 22 luật đất đai 1993: “Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao đất để sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản và làm muối không phải trả tiền sử dụng đất; nếu được Nhà nước giao đất để sử dụng vào mục đích khác thì phải trả tiền sử dụng đất, trừ các trường hợp được miễn, giảm theo quy định của Chính phủ.”

(ảnh minh họa: thu hồi đất và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất)

Thu hồi đất là văn bản hành chính của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nhằm chấm dứt một quan hệ pháp luật đất đai để phục vụ lợi ích của Nhà nước, của xã hội hoặc xử lí hành chính hành vi vi phạm pháp luật đất đai của người sử dụng đất. Theo quy định của Luật đất đai 1993, tại Điều 28 quy định: “Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định giao đất nào thì có quyền thu hồi đất đó. Việc thu hồi đất để chuyển sang mục đích khác phải theo đúng quy hoạch và kế hoạch đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xét duyệt.Trước khi thu hồi đất phải thông báo cho người đang sử dụng biết về lý do thu hồi, thời gian, kế hoạch di chuyển, phương án đền bù thiệt hại”. Theo đó, thẩm quyền thu hồi đất được quy định tương tự Điều 24 là UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thu hồi đất của tổ chức; UBND huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh thu hồi đất của các hộ gia đình và cá nhân. Và các Các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thu đất không được uỷ quyền cho cấp dưới.
Trừ trường hợp người sử dụng đất trả lại đất được giao, khi người sử dụng đất vi phạm một trong các trường hợp nêu trên thì UBND xã có quyền đề nghị UBND Huyện ra quyết định thu hồi đất. Nếu chưa có quyết định thu hồi đất của UBND huyện, UBND xã thu hồi đất là vi phạm thẩm quyền thu hồi đất theo quy định tại Điều 28 luật này.
Như vậy, đối với trường hợp ông X,việc UBND xã A quyết định thu hồi đất là sai thẩm quyền, không đúng với quy định của pháp luật đất đai năm 1993.
1.2 Đối với việc lấy mảnh đất nông nghiệp của ông X bán cho người khác làm nhà ở.
Việc làm này của UBND xã A đã sai hoàn toàn về cả hình thức và nội dung của Luật đất đai 1993. Về hình thức, Điều 24 Luật đất đai 1993 không quy định thẩm quyền giao, thu hồi hay cho thuê đất đối với UBND cấp xã mà chỉ từ cấp huyện, quận, thị xã trở lên. UBND xã chỉ quản lí số đất đó sau khi đã có quyết định thu hồi. Về nội dung, trong luật đất đai 1993 không có quy định về bán đất và cơ quan có thẩm quyền bán đất cho hộ gia đình, cá nhân hay tổ chức mà chỉ quy định giao giao đất không thu tiền, giao đất có thu tiền và cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất…
Như vậy, UBND xã là cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, với góc độ điều chỉnh của luật đất đai, đây là cơ quan gần gũi nhất với người sử dụng đất nhưng lại mắc nhiều sai lầm nhiều nhất trong việc xác định quyền hạn của mình, tuy nhiên sai lầm đó cũng xuất phát từ nhiều yếu tố khách quan và chủ quan như về trình độ hiểu biết, nắm bắt về luật; khả năng đánh giá giữa lí luận và thực tế… Vì vậy, dù là cơ quan hành chính cấp địa phương nhưng thiết nghĩ UBND cấp xã cần phải được chú trọng nhiều hơn nữa về trình độ hiểu biết và xem xét vụ việc… có như vậy sẽ ngăn chặn được phần nào những hậu quả không mong muốn đối với các vụ việc về đất đai.

Trên đây là tư vấn của Luật Huy Thành Quý Khách hàng tham khảo. Các vấn đề khác cần tham vấn hoặc hỗ trợ pháp lý, đề nghị Quý Khách hàng liên hệ với Luật Huy Thành qua Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 19006179 hoặc qua mobile để yêu cầu dịch vụ của Luật sư Nguyễn Văn Thành - Luật sư Giỏi tại Hà Nội: 0909 763 190.

Bạn tham khảo bài viết liên quan TẠI ĐÂY

bttop