Ông Đoàn Ngọc Hải có bị xử lý khi xin từ chức không?

10/06/2019

Sự việc ông Đoàn Ngọc Hải có đơn xin từ chức ngay sau khi nhận được quyết định bổ nhiệm làm Phó Tổng Giám đốc tại Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn đang thu hút rất nhiều sự quan tâm của cộng đồng. Vậy ông Đoàn Ngọc Hải có bị xử lý khi xin từ chức không?

Nội dung vụ việc:

Sáng 4/6, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến đã trao quyết định điều động và bổ nhiệm ông Đoàn Ngọc Hải, Phó Chủ tịch UBND quận 1 phụ trách lĩnh vực đô thị về công tác tại Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn TNHH Một thành viên và giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc. Đến chiều 4/6, ông Đoàn Ngọc Hải ký đơn từ chức sau khi được điều động.

Ông Hải cho biết sau khi nhận công tác tại đơn vị mới, ông nhận thấy không có trình độ chuyên môn về ngành xây dựng, không phù hợp với năng lực, sở trường chuyên môn được đào tạo và quá trình công tác, thì không thể làm tốt công việc này được nên ông xin từ chức.

Trong khi chờ quy trình giải quyết chế độ nghỉ việc, ông Hải xin phép nghỉ việc 2 tháng không hưởng lương, kể từ ngày 5/6.

Nội dung tư vấn:

1. Văn hóa “từ chức” ở nước ta hiện nay

Từ chức là quyền cá nhân, nhưng đến nay, chúng ta vẫn chưa coi đó là quyền được thể hiện trong luật pháp. Nhiều khi vẫn coi đây là sự từ bỏ, né tránh nhiệm vụ.

1.1. Từ chức là gì?

Khoản 13 Điều 7 Luật cán bộ, công chức năm 2008 quy định:

“Từ chức là việc cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý đề nghị được thôi giữ chức vụ khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm.”

1.2. Cán bộ được từ chức trong trường hợp nào?

Khoản 1 Điều 30 Luật cán bộ, công chức quy định có 4 trường hợp cán bộ, công chức được từ chức:

(1)  Không đủ sức khỏe;

(2)  Không đủ năng lực, uy tín;

(3) Theo yêu cầu nhiệm vụ;

(4) Vì lý do khác.

(Ảnh: Ông Đoàn Ngọc Hải nhận quyết định bổ nhiệm)

Khoản 1 Điều 42 Nghị định 24/2010/NĐ-CP hướng dẫn cụ thể:

“Điều 42. Từ chức, miễn nhiệm đối với công chức 

1. Việc từ chức đối với công chức được thực hiện trong các trường hợp sau đây: 

a) Công chức tự nguyện, chủ động xin từ chức để chuyển giao vị trí lãnh đạo, quản lý; 

b) Công chức nhận thấy không đủ sức khỏe, năng lực, uy tín để hoàn thành chức trách nhiệm vụ được giao; 

c) Công chức nhận thấy sai phạm, khuyết điểm của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình hoặc của cấp dưới có liên quan đến trách nhiệm của mình; 

d) Công chức có nguyện vọng xin từ chức vì các lý do cá nhân khác.”

Tuy nhiên, khoản 3 Điều 42 Nghị định 24/2010/NĐ-CP  của Chính phủ cũng quy định rõ: “3. Công chức chưa được cấp có thẩm quyền quyết định cho từ chức hoặc miễn nhiệm vẫn phải tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, chức trách được giao. Công chức sau khi thôi giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý do từ chức hoặc miễn nhiệm được người đứng đầu cơ quan sử dụng công chức bố trí, phân công công tác khác phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị và trình độ, năng lực của công chức.”

Như vậy, mặc dù ông Hải có đơn xin từ chức, như quyết định vẫn thuộc về cấp có thẩm quyền.

 Dưới góc độ pháp lý, ông Hải đã hành xử chuẩn, đó là vẫn tiếp nhận quyết định bổ nhiệm Phó tổng giám đốc, rồi sau đó mới có đơn xin từ chức.

Xét theo các quy định của Luật cán bộ, công chức thì ông Hải có quyền từ chức khi thuộc một trong các trường hợp đã nêu ở trên. Ông vẫn nhận Quyết định điều động, phân công của tổ chức, sau đó mới có đơn xin từ chức. Điều này là không vi phạm về việc không phục tùng tổ chức. Còn việc xem xét và giải quyết đơn xin từ chức của ông Hải vẫn do tổ chức quyết định.

Hiện nay pháp luật cán bộ, công chức cũng không quy định cụ thể về thời điểm được từ chức, chỉ quy định: “Từ chức là việc cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý đề nghị được thôi giữ chức vụ khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm.” Do đó việc ông Hải vừa nhận quyết định bổ nhiệm đã xin từ chức vẫn không thể xem là vi phạm.

2. Có thể xử lý kỷ luật Đảng đối với ông Đoàn Ngọc Hải không?

Theo quy định của điểm d, khoản 1 Điều 11 Quy định số 102-QĐ/TW, ngày 15-11-2017 của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm như sau:

“Điều 11. Vi phạm trong công tác tổ chức, cán bộ

1- Đảng viên vi phạm một trong các trường hợp sau gây hậu quả ít nghiêm trọng thì kỷ luật bằng hình thức khiển trách:

d) Cố ý không chấp hành quyết định bổ nhiệm, điều động, luân chuyển, phân công công tác, nghỉ chế độ, chuyển sinh hoạt đảng theo quy định.”

Tuy nhiên, đối với ông Hải, ông đã chấp hành quyết định bổ nhiệm sau đó mới xin từ chức. Xét theo quy định hiện hành thì ông Hải không có hành vi vi phạm.

Trên đây là một số ý kiến của Luật Huy Thành về ông Đoàn Ngọc Hải có đơn xin từ chức để Quý Khách hàng tham khảo. Các vấn đề khác cần tham vấn, đề nghị Quý Khách hàng liên hệ với Luật Huy Thành qua Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 19006179 hoặc yêu cầu dịch vụ hỗ trợ pháp lý gọi 19006179 gặp Luật sư Nguyễn Văn Thành - Luật sư Giỏi tại Hà Nội.

Bạn tham khảo video tư vấn của Luật sư Nguyễn Văn Thành liên quan đến vấn đề này TẠI ĐÂY.

bttop