Trách nhiệm của doanh nghiệp là đối tượng được bảo lãnh

09/05/2019

Theo quy định pháp luật hiện hành, trách nhiệm của doanh nghiệp là đối tượng được bảo lãnh là gì?

Căn cứ Điều 62 Nghị định 91/2018/NĐ-CP về cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ có quy định về trách nhiệm của doanh nghiệp là đối tượng được bảo lãnh như sau:

“1. Cung cấp đầy đủ hồ sơ, chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của các số liệu, hồ sơ cung cấp cho Bộ Tài chính đề nghị xem xét, trình phê duyệt chủ trương cấp bảo lãnh chính phủ, đề nghị cấp bảo lãnh chính phủ theo quy định của Nghị định này và các văn bản hướng dẫn.

2. Tham vấn ý kiến của Bộ Tài chính trước khi ủy quyền thu xếp vốn nếu có các điều kiện tài chính cụ thể của khoản vay dự kiến đề nghị cấp bảo lãnh chính phủ sau khi đã được phê duyệt chủ trương cấp bảo lãnh.

3. Chủ trì đàm phán thỏa thuận vay trong và ngoài nước.

4. Cung cấp cho các cơ quan có liên quan các dự thảo thỏa thuận vay, dự thảo Thư bảo lãnh và ý kiến pháp lý (nếu có) của khoản vay trong và ngoài nước chậm nhất 07 ngày làm việc trước khi tiến hành đàm phán.

5. Cung cấp cho Bộ Tài chính thỏa thuận vay trong và ngoài nước sau khi ký chính thức.

6. Tổ chức ký kết thỏa thuận vay, phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

7. Đề xuất với Bộ Tài chính ngân hàng phục vụ cho Dự án; mở và đăng ký với Bộ Tài chính tài khoản dự án tại ngân hàng phục vụ, đồng thời thông báo toàn bộ tài khoản tiền gửi hiện có tại các tổ chức tín dụng kèm theo xác nhận của tổ chức tín dụng nơi mở tài khoản cho Bộ Tài chính. Trường hợp thay đổi ngân hàng phục vụ, đối tượng được bảo lãnh có trách nhiệm báo cáo lý do bằng văn bản cho Bộ Tài chính để có ý kiến chấp thuận trong vòng 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị.

(ảnh minh họa: trách nhiệm của doanh nghiệp là đối tượng được bảo lãnh)

8. Thực hiện đầy đủ, đúng hạn các nghĩa vụ của người vay, chủ thể phát hành trái phiếu theo thỏa thuận vay đã ký, trái phiếu đã phát hành được Chính phủ bảo lãnh.

9. Đăng ký ban đầu, đăng ký thay đổi khoản vay nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo quy định hiện hành của pháp luật.

10. Bố trí đầy đủ, kịp thời vốn chủ sở hữu theo tiến độ thực hiện dự án đầu tư: phải đảm bảo đủ nguồn vốn chủ sở hữu theo tiến độ thực hiện dự án đối với các hạng mục phải chi từ vốn chủ sở hữu; khi quyết toán công trình hoàn thành dự án phải đảm bảo đủ vốn chủ sở hữu theo tỷ lệ đã đăng ký khi nộp hồ sơ đề nghị cấp bảo lãnh.

11. Chuyển doanh thu của dự án đầu tư ngay khi phát sinh vào tài khoản dự án theo tỷ lệ tương ứng với phần vốn vay được Chính phủ bảo lãnh trong tổng giá trị vốn vay của dự án đó.

Cam kết duy trì số dư trong tài khoản dự án (bằng nguyên tệ hoặc bằng Đồng Việt Nam theo tỷ giá quy đổi của ngân hàng phục vụ) từ năm đầu tiên phát sinh nghĩa vụ trả nợ để đảm bảo trả nợ vay đúng hạn theo quy định.

12. Thường xuyên đánh giá các rủi ro tiềm ẩn của doanh nghiệp, dự án và nghiên cứu thực hiện các nghiệp vụ phòng ngừa rủi ro đối với khoản vay, khoản phát hành trái phiếu theo thẩm quyền để đảm bảo khả năng trả nợ của doanh nghiệp.

13. Thực hiện các nghĩa vụ của đối tượng được bảo lãnh với Bộ Tài chính:

a) Thực hiện thế chấp tài sản cho khoản vay, khoản phát hành trái phiếu được chính phủ bảo lãnh, thực hiện việc kê khai, đăng ký giao dịch bảo đảm đối với tài sản thế chấp, bổ sung tài sản thế chấp cho Bộ Tài chính theo quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm:

b) Trả phí bảo lãnh đầy đủ và đúng hạn theo thông báo của Bộ Tài chính;

c) Thông báo cho Bộ Tài chính bất kỳ thay đổi nào có liên quan tới Thỏa thuận vay, đối tượng được bảo lãnh, cơ cấu cổ đông, cá nhân góp vốn trong doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư được Chính phủ bảo lãnh;

d) Thực hiện đầy đủ, đúng hạn chế độ thông tin, báo cáo theo quy định của Bộ Tài chính;

đ) Báo cáo bằng văn bản cho Bộ Tài chính trước kỳ hạn nợ tối thiểu là 03 tháng trước ngày đến hạn trả nợ nhưng không có khả năng thanh toán hoặc dự kiến thanh toán không đầy đủ nghĩa vụ trả nợ, có nêu rõ lý do;

e) Nhận nợ bắt buộc với Bộ Tài chính trong trường hợp Bộ Tài chính cho vay tạm ứng từ Quỹ Tích lũy trả nợ để trả nợ đối với khoản vay, khoản phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và chịu các chi phí phát sinh liên quan tới việc chuyển tiền trả nợ;

g) Chấp thuận và tuân thủ các chế tài cần thiết khác trong quá trình quản lý bảo lãnh theo yêu cầu của Bộ Tài chính;

h) Phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính trong quá trình kiểm tra tình hình thực hiện dự án đầu tư khi cần thiết.

i) Thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ khác đã cam kết trong Văn bản cam kết gửi Bộ Tài chính theo Phụ lục I Nghị định này.

14. Cung cấp đầy đủ hồ sơ, chứng từ rút vốn cho ngân hàng phục vụ xác nhận về sự phù hợp với hợp đồng thương mại và thỏa thuận vay đã ký trước khi gửi hồ sơ rút vốn cho Bên cho vay.

15. Trả phí dịch vụ cho ngân hàng phục vụ và các khoản chi phí khác phát sinh (nếu có) cho các bên có liên quan theo quy định của Nghị định này.

16. Thực hiện kiểm toán hàng năm đối với dự án đầu tư trong quá trình xây dựng, kiểm toán doanh nghiệp định kỳ hàng năm sau khi kết thúc dự án đầu tư và gửi bản sao báo cáo kiểm toán cho Bộ Tài chính.

17. Thực hiện các quy định khác có liên quan của Luật Quản lý nợ công và của Nghị định này về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân tiếp nhận, sử dụng vốn được Chính phủ bảo lãnh.”

Trên đây là tư vấn của chúng tôi về vấn đề trách nhiệm của doanh nghiệp là đối tượng được bảo lãnh là gì để Quý Khách hàng tham khảo. Các vấn đề khác cần tham vấn, đề nghị Quý Khách hàng liên hệ với Luật Huy Thành qua Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 19006179 hoặc yêu cầu dịch vụ hỗ trợ pháp lý gọi 19006179 gặp Luật sư Nguyễn Văn Thành - Luật sư Giỏi tại Hà Nội.

Bạn tham khảo bài viết liên quan TẠI ĐÂY.

bttop