Gây thương tích cho kẻ trộm cắp có phạm tội không?

05/01/2018

Câu hỏi:
Hôm trước do có việc đột xuất nên tôi có khép qua cửa và chạy ra đầu phố giải quyết công chuyện. Sau đó tôi về thì phát hiện một thanh niên đang ăn trộm đồ nhà tôi, tôi đuổi theo bắt và trong lúc giằng co lấy lại tài sản tôi có đánh kẻ này vào bụng, vào mặt…Sau đó Cơ quan Công an đưa cả tôi và kẻ trộm đó về đồn Công an. Sau đó tôi được tạm tha cho về chờ giải quyết. Mấy ngày sau tôi được biết kẻ trộm kia đã bị khởi tố nhưng thương tích do tôi đánh hắn lên đến 12% nên đang phải điều trị ở bệnh viện…Vậy xin hỏi là tôi có phạm tội cố ý gây thương tích cho kẻ trộm đó không? Tôi chỉ đánh hắn để lấy lại tài sản của mình thì có phạm tội không?

Trả lời:

Kính gửi anh, tình huống của anh,bộ phận tư vấn pháp luật tổng đài 1900 6179 – Công ty Luật TNHH Huy Thànhxin giải đáp như sau:

Trước hành vi của người thanh niên ăn trộm đồ nhà anh có dấu hiệu của tội trộm cắp tài sản quy định tại Điều 138 Bộ luật hình sự. Do vậy, người thanh niên đó có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi vi phạm pháp luật hình sự của mình.
Tuy nhiên, anh có hành vi đánh người thanh niên đó gây thương tích 12% cũng có dấu hiệu phạm tội hình sự quy định tại khoản 1 Điều 104 Bộ luật hình sự:
“Điều 104. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của  người khác 
1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:
a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người;
b) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân;
c) Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người;
d) Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;
đ) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;
e) Có tổ chức;
g) Trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục;
h) Thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê;
i) Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm;
k) Để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì  lý do công vụ của nạn nhân”.
Việc anh ngăn cản hành vi phạm pháp của người thanh niên để lấy lại tài sản là quyền của anh, được pháp luật cho phép; tuy nhiên điều đó không có nghĩa là anh được quyền gây thương tích cho người khác. Về nguyên tắc thì không ai bị coi là có tội khi chưa có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật; bởi vậy, nếu anh phát hiện ra người thanh niên đó có hành vi vi phạm tội hình sự thì anh có quyền ngăn cản, bắt giữ và đưa người đó tới Cơ quan có thẩm quyền để giải quyết. Việc anh đánh người thanh niên gây thương tích là một hành vi trái pháp luật; bởi vậy rất có thể anh cũng sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích theo quy định nêu trên.

Trên đây là các nội dung tư vấn của Luật Huy Thành để Quý Khách hàng tham khảo. Các vấn đề khác cần tham vấn hoặc hỗ trợ pháp lý, đề nghị Quý Khách hàng liên hệ với Luật Huy Thành qua Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 1900 6179 hoặc qua mobile để yêu cầu dịch vụ của Luật sư Nguyễn Văn Thành - Luật sư Giỏi tại Hà Nội: 0909 763 190.

Bạn tham khảo bài viết liên quan TẠI ĐÂY

bttop