Người lao động đánh bạc bị Công ty sa thải

05/01/2018

Câu hỏi:
Tôi là nhân viên một Công ty may mặc ở Hưng Yên. Mấy hôm trước trong giờ giải lao nghỉ đổi ca, tôi và một số nhân viên khác có tụ tập đánh tá lả để lấy tiền uống nước buổi chiều. Sau đó chúng tôi bị phát hiện và Công ty bắt viết bản tường trình vụ việc và yêu cầu chúng tôi tiếp tục về xưởng làm việc để chờ hướng giải quyết. Đến khoảng 3 ngày sau thì chúng tôi nhận được quyết định sa thải do ông Giám đốc Công ty ký và yêu cầu chúng tôi lên phòng kế toán để giải quyết chấm dứt Hợp đồng lao động…Xin hỏi là việc Công ty sa thải chúng tôi như vậy có đúng quy định pháp luật?

Trả lời:
Kính gửi anh, tình huống của anh, bộ phận tư vấn pháp luật tổng đài 1900 6179 – Công ty Luật TNHH Huy Thành xin giải đáp như sau:
Trước hết, anh và một số nhân viên khác đã có hành vi đánh bạc tại nơi làm việc nên Công ty hoàn toàn có căn cứ để áp dụng hình thức kỷ luật sa thải anh và các nhân viên đó theo quy định tại khoản 1 Điều 126 Bộ luật lao động 2012:
“Điều 126. Áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải
Hình thức xử lý kỷ luật sa thải được người sử dụng lao động áp dụng trong những trường hợp sau đây:
1. Người lao động có hành vi trộm cắp, tham ô, đánh bạc, cố ý gây thương tích, sử dụng ma tuý trong phạm vi nơi làm việc, tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động, có hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe doạ gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của người sử dụng lao động;”.
Tuy nhiên, theo thông tin anh cung cấp thì sau khi phát hiện hành vi đánh bạc thì Công ty yêu cầu anh và các nhân viên khác viết bản tường trình; sau đó khoảng 3 ngày thì các anh nhận được quyết định sa thải của Công ty…Như vậy, chúng tôi cho rằng, phía Công ty cũng đã có những sai phạm trong việc tiến hành xử lý kỷ luật lao động. Cụ thể, Điều 123 Bộ luật lao động 2012 quy định:
“Điều 123. Nguyên tắc, trình tự xử lý kỷ luật lao động
1. Việc xử lý kỷ luật lao động được quy định như sau:
a) Người sử dụng lao động phải chứng minh được lỗi của người lao động;
b) Phải có sự tham gia của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở;
c) Người lao động phải có mặt và có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa; trường hợp là người dưới 18 tuổi thì phải có sự tham gia của cha, mẹ hoặc người đại diện theo pháp luật;
d) Việc xử lý kỷ luật lao động phải được lập thành biên bản.
2. Không được áp dụng nhiều hình thức xử lý kỷ luật lao động đối với một hành vi vi phạm kỷ luật lao động.
3. Khi một người lao động đồng thời có nhiều hành vi vi phạm kỷ luật lao động thì chỉ áp dụng hình thức kỷ luật cao nhất tương ứng với hành vi vi phạm nặng nhất.
4. Không được xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động đang trong thời gian sau đây:
a) Nghỉ ốm đau, điều dưỡng; nghỉ việc được sự đồng ý của người sử dụng lao động;
b) Đang bị tạm giữ, tạm giam;
c) Đang chờ kết quả của cơ quan có thẩm quyền điều tra xác minh và kết luận đối với hành vi vi phạm được quy định tại khoản 1 Điều 126 của Bộ luật này;
d) Lao động nữ có thai, nghỉ thai sản; người lao động nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi.
5. Không xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động vi phạm kỷ luật lao động trong khi mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình”.
Về nguyên tắc, trước khi có quyết định xử lý kỷ luật lao động thì người sử dụng lao động phải tổ chức cuộc họp xử lý kỷ luật lao động có đầy đủ các thành phần tham dự theo quy định. Cuộc họp phải được lập thành biên bản có đầy đủ chữ ký của người tham gia. Sau đó, căn cứ vào nội dung cuộc họp, căn cứ vào nội quy lao động và các quy định của pháp luật, người sử dụng sẽ ban hành quyết định xử lý kỷ luật cho phù hợp. Tuy nhiên, trong vụ việc của anh, Công ty đã ban hành quyết định sa thải anh mà chưa tổ chức cuộc họp xử lý kỷ luật là hoàn toàn sai quy định về trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật lao động. Do vậy, quyết định sa thải của Công ty ban hành là hoàn toàn bất hợp pháp.
Trong vụ việc này, anh và các nhân viên bị sa thải có thể yêu cầu Công đoàn Công ty có ý kiến để hủy bỏ quyết định sa thải trái pháp luật. Trong trường hợp quyền lợi của anh không được đảm bảo thì anh có thể tiến hành khởi kiện vụ án lao động về xử lý kỷ luật sa thải tới Tòa án nhân dân có thẩm quyền để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho mình.

Trên đây là các nội dung tư vấn của Luật Huy Thành để Quý Khách hàng tham khảo. Các vấn đề khác cần tham vấn hoặc hỗ trợ pháp lý, đề nghị Quý Khách hàng liên hệ với Luật Huy Thành qua Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 1900 6179 hoặc qua mobile để yêu cầu dịch vụ của Luật sư Nguyễn Văn Thành - Luật sư Giỏi tại Hà Nội: 0909 763 190.

Bạn tham khảo bài viết liên quan TẠI ĐÂY

bttop