Nhân viên lừa tiền công ty bị xử lý thế nào?

05/01/2018

Câu hỏi:
Công ty tôi chuyên kinh doanh các thiết bị y tế. Hôm trước, có một đơn hàng trị giá 120 triệu, yêu cầu bên tôi chuyển hàng rồi đến nhận tiền. Chúng tôi có giao cho anh H là nhân viên đi giao hàng và nhận tiền về. Tuy nhiên, đến hết ngày làm việc cũng không thấy anh H quay lại Công ty; chúng tôi có gọi điện thì không bắt máy. Sau khi tìm hiểu những người thân quen thì chúng tôi biết anh H đã bỏ trốn cùng số tiền hàng nhận được…Vậy xin hỏi là trường hợp này Công ty chúng tôi phải làm thế nào để lấy lại tiền? Anh H có bị pháp luật xử lý gì không?

Trả lời:

Kính gửi anh/chị, tình huống của anh/chị,bộ phận tư vấn pháp luật tổng đài 1900 6179 – Công ty Luật TNHH Huy Thànhxin giải đáp như sau:

Điều 140 Bộ luật hình sự quy định:
“Điều 140.  Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản 
1. Người nào có một trong những hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ Bốn triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới bốn triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm:
  a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian  dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó;
  b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó  vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
c) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
d) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;
đ) Tái phạm nguy hiểm;
e) Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;
b)  Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm và bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản hoặc một trong hai hình phạt này”.
Trong vụ việc của công ty anh/chị, anh H nhân viên được giao nhiệm vụ đi giao hàng, lấy tiền hàng về nhưng anh H lại bỏ trốn cùng với số tiền đó…Như vậy, chúng tôi nhận định hành vi của anh H có thể có dấu hiệu của tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 140 Bộ luật hình sự. Số tiền hàng giá trị khoảng 120 triệu nên anh H có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm d khoản 2 Điều 140 nêu trên. Mức hình phạt tương ứng theo khoản 2 Điều 140 là phạt tù từ hai năm đến bảy năm.
Công ty anh/chị có thể gửi đơn tố cáo hành vi vi phạm pháp luật hình sự của anh H tới Cơ quan Công an nơi xảy ra vụ việc để Cơ quan Công an điều tra, xác minh làm rõ vụ việc và có thể giúp Công ty anh/chị lấy lại được số tiền hàng bị anh H chiếm đoạt.

Trên đây là các nội dung tư vấn của Luật Huy Thành để Quý Khách hàng tham khảo. Các vấn đề khác cần tham vấn hoặc hỗ trợ pháp lý, đề nghị Quý Khách hàng liên hệ với Luật Huy Thành qua Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 1900 6179 hoặc qua mobile để yêu cầu dịch vụ của Luật sư Nguyễn Văn Thành - Luật sư Giỏi tại Hà Nội: 0909 763 190.

Bạn tham khảo bài viết liên quan TẠI ĐÂY

bttop