Thế nào là hung khí nguy hiểm?

05/01/2018

Câu hỏi:
Mấy hôm trước, do mâu thuẫn nhau nên giữa con tôi và người cháu họ đã xảy ra xô xát. Do bực tức, nên con tôi đã nhặt viên gạch ven đường ném vào người cháu họ khiến người cháu họ của tôi bị thương ở cánh tay phải. Sau đó, gia đình người cháu họ tôi có đưa đi cứu chữa, bước đầu bác sỹ cho biết nó bị thương tích 4%. Gia đình tôi cũng đã xuống xin lỗi và trả trước một phần tiền thuốc điều trị. Vậy cho tôi hỏi hành vi của con tôi có phạm pháp hình sự không? Mức phạt có nặng không?

Trả lời:
Kính gửi anh/chị, tình huống của anh/chị bộ phận tư vấn pháp luật tổng đài 1900 6179 chúng tôi xin giải đáp như sau:
Tiểu mục 3.1 mục 3 Nghị quyết 01/2006/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật hình sự quy định:
“3.1. Tình tiết “dùng hung khí nguy hiểm” quy định tại điểm a khoản 1 Điều 104 của BLHS
“Dùng hung khí nguy hiểm” quy định tại điểm a khoản 1 Điều 104 của BLHS là trường hợp dùng vũ khí hoặc phương tiện nguy hiểm theo hướng dẫn tại các tiểu mục 2.1 và 2.2 mục 2 Phần I Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17-4-2003 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao để cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác”.
Tiểu mục 2.2 mục 2 Phần I Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17-4-2003 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao quy định:
“2.2. "Phương tiện nguy hiểm" là công cụ, dụng cụ được chế tạo ra nhằm phục vụ cho cuộc sống của con người (trong sản xuất, trong sinh hoạt) hoặc vật mà người phạm tội chế tạo ra nhằm làm phương tiện thực hiện tội phạm hoặc vật có sẵn trong tự nhiên mà người phạm tội có được và nếu sử dụng công cụ, dụng cụ hoặc vật đó tấn công người khác thì sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng hoặc sức khoẻ của người bị tấn công.
a. Về công cụ, dụng cụ
Ví dụ: búa đinh, dao phay, các loại dao sắc, nhọn...
b. Về vật mà người phạm tội chế tạo ra
Ví dụ: thanh sắt mài nhọn, côn gỗ...
c. Về vật có sẵn trong tự nhiên
Ví dụ: gạch, đá, đoạn gậy cứng, chắc, thanh sắt...”
Như vậy, viên gạch ven đường có thể được coi là một hung khí nguy hiểm theo hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao. Theo thông tin anh/chị cung cấp thì con anh/chị có hành vi dùng gạch ném vào người cháu họ khiến người cháu họ bị thương tích ở cánh tay phải với tỷ lệ thương tích 4%. Do vậy, có cơ sở để cho rằng, hành vi của con anh/chị đã có dấu hiệu của tội cố ý gây thương tích theo điểm a khoản 1 Điều 104 Bộ luật hình sự:
“1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:
a)Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người;”.
Mức hình phạt đối với hành vi thuộc khoản 1 Điều 104 là phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
Tuy nhiên, theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự thì tội phạm theo khoản 1 Điều 104 Bộ luật hình sự chỉ được khởi tố nếu có yêu cầu của người bị hại. Do vậy, nếu người cháu anh/chị có đơn yêu cầu khởi tố vụ án hình sự thì lúc đó các Cơ quan tiến hành tố tụng sẽ khởi tố, điều tra về hành vi vi phạm pháp luật hình sự của con anh/chị. Nếu người cháu anh/chị không yêu cầu khởi tố vụ án thì hai bên sẽ giải quyết việc bồi thường theo thỏa thuận hoặc theo các quy định của pháp luật dân sự.

Trên đây là các nội dung tư vấn của Luật Huy Thành để Quý Khách hàng tham khảo. Các vấn đề khác cần tham vấn hoặc hỗ trợ pháp lý, đề nghị Quý Khách hàng liên hệ với Luật Huy Thành qua Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 1900 6179 hoặc qua mobile để yêu cầu dịch vụ của Luật sư Nguyễn Văn Thành - Luật sư Giỏi tại Hà Nội: 0909 763 190.

Bạn tham khảo bài viết liên quan TẠI ĐÂY

bttop