Trả lời:
Kính gửi anh/chị, tình huống của anh/chị,bộ phận tư vấn pháp luật tổng đài 1900 6179 – Công ty Luật TNHH Huy Thànhxin giải đáp như sau:
Theo thông tin anh/chị cung cấp thì mẹ anh/chị có một quyền sử dụng đất rộng 120m2; khi còn sống thì mẹ anh/chị có thực hiện thủ tục ủy quyền lại cho anh/chị được quyền sử dụng nhà đất của mẹ anh/chị. Tuy nhiên, anh/chị cần xác định rõ việc mẹ anh/chị ủy quyền cho anh/chị được quyền sử dụng nhưng mẹ anh/chị vẫn là chủ sở hữu đối nhà đất đó. Bởi vậy, khi mẹ anh/chị mất không để lại di chúc thì quyền sử dụng đất và nhà trên đất của mẹ anh/chị để lại sẽ được coi là di sản của mẹ anh/chị và sẽ được phân chia theo pháp luật cho những người thuộc hàng thừa kế theo quy định tại Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015:
“Điều 651. Người thừa kế theo pháp luật
1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản”.
Chúng tôi giả sử ông bà nội ngoại và bố anh/chị đều đã mất thì phần di sản mà mẹ anh/chị để lại sẽ phân chia đều cho hai anh em (anh/chị và em trai). Do vậy, về nguyên tắc thì em trai anh/chị yêu cầu phân chia quyền sử dụng đất và nhà trên đất là có căn cứ.
Ngoài ra, cũng theo quy định tại khoản 3 Điều 422 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:
“Điều 422. Chấm dứt hợp đồng
Hợp đồng chấm dứt trong trường hợp sau đây:
3. Cá nhân giao kết hợp đồng chết, pháp nhân giao kết hợp đồng chấm dứt tồn tại mà hợp đồng phải do chính cá nhân, pháp nhân đó thực hiện;”.
Khi còn sống mẹ anh/chị thực hiện thủ tục ủy quyền sử dụng đất cho anh/chị; sau khi mẹ anh/chị mất thì hợp đồng ủy quyền cũng sẽ chấm dứt theo quy định. Như vậy, anh/chị cũng sẽ không có quyền được sử dụng toàn bộ nhà đất đó nữa. Khi đó, quyền sử dụng đất và nhà trên đất sẽ được coi là tài sản chung chia giữa anh/chị và em trai; bởi vậy em trai anh/chị hoàn toàn có quyền yêu cầu phân chia quyền sử dụng và nhà ở trên đất theo quy định.
Trong trường hợp này, chúng tôi kiến nghị anh/chị và em trai nên thỏa thuận, hòa giải với nhau để cùng tìm ra được phương án giải quyết vụ việc một cách hợp tình hợp lý, đảm bảo lợi ích cho các bên cũng như đảm bảo giữ được tình cảm anh em trong gia đình. Nếu anh/chị và em trai không thể tự thương lượng, hòa giải được với nhau thì một trong hai bên có thể khởi kiện tới Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu giải quyết vụ việc.
Trên đây là các nội dung tư vấn của Luật Huy Thành để Quý Khách hàng tham khảo. Các vấn đề khác cần tham vấn hoặc hỗ trợ pháp lý, đề nghị Quý Khách hàng liên hệ với Luật Huy Thành qua Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 1900 6179 hoặc qua mobile để yêu cầu dịch vụ của Luật sư Nguyễn Văn Thành - Luật sư Giỏi tại Hà Nội: 0909 763 190.
Bạn tham khảo bài viết liên quan TẠI ĐÂY