Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội

05/01/2018

Câu hỏi: Thưa luật sư, em có câu hỏi như sau rất mong luật sư tư vấn giúp em. Khoảng 18 giờ ngày 25/11/2010, em trai tôi là C (19 tuổi) đi xe máy của gia đình chở một người bạn là H (17 tuổi) đi chơi rồi rủ nhau đi trộm cắp tài sản. Đến một quán bán đồ điện, C mua 1 chiếc tuốc nơ vít dài khoảng 30cm và 1 chiếu cà lê dài khoảng 17cm đưa cho H để phá khóa xe máy. C chở H đi lòng vòng một hồi thì thấy có hai chiếc xe máy dựng trước cửa nhà anh D. C dừng xe đợi ở ngoài, H vào dùng tuốc nơ phá khóa chiếc xe Jupiter. Thấy có người lại gần, C sợ bị phát hiện bắt giữ nên phóng xe đi trước. Luật sư cho tôi hỏi vậy em trai tôi có được coi là tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội không?

Trả lời:
Cảm ơn anh/chị đã gửi câu hỏi đến tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6179 – Công ty Luật Huy Thành. Chúng tôi xin được giải đáp như sau:
C không được xem là tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội, bởi vì theo Điều 19 BLHS:
“Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội là tự mình không thực hiện tội phạm đến cùng, tuy không có gì ngăn cản.
Người tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội được miễn TNHS về tội định phạm; nếu hành vi thực tế đã thực hiện có đủ yếu tố cấu thành của một tội khác, thì người đó phải chịu TNHS về tội này.”
Chỉ được xem là tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội khi thỏa mãn cả hai dấu hiệu sau đây:
- Thứ nhất, việc chấm dứt không thực hiện tiếp tội phạm phải xảy ra khi tội phạm đang ở giai đoạn chuẩn bị hoặc ở giai đoạn chưa hoàn thành.
- Thứ hai, việc chấm dứt không thực hiện tiếp tội phạm phải là tự nguyện và dứt khoát.
Xét điều kiện thứ nhất thì C đang dừng xe ở ngoài thấy có người lại gần, sợ bị phát hiện bắt giữ nên C phóng xe đi trước. Khi C phóng xe đi, hai người chưa thực hiện xong việc trộm cắp tài sản, thể hiện ở việc H chưa phá xong khóa xe máy Jupiter. C đã chấm dứt, không thực hiện tiếp tội phạm khi tội phạm đang ở giai đoạn chưa đạt chưa hoàn thành. Vậy C thỏa mãn điều khiện thứ nhất này.
Nhưng xét về điều kiện thứ hai, C thấy có người lại gần sợ bị phát hiện bắt giữ nên C đã phóng xe đi trước, việc có người lại gần là một trở ngại khách quan khiến cho C không thực hiện tiếp hành vi phạm tội của mình. Vì vậy, nguyên nhân khiến C dừng lại không thực thực hiện tiếp tội phạm là do trở ngại khách quan chi phối chứ không phải do động lực bên trong bản thân C, không phải do ý chí muốn chấm dứt việc phạm tội. Tức là, nếu không phát hiện ra có người thì C sẽ thực hiện đến cùng tội phạm. Do đó điều kiện thứ hai này C không thỏa mãn.
Và trong trường hợp này, C không phải người trực tiếp thực hiện phạm tội mà C chỉ là người giúp sức. Hành vi giúp sức của C không trực tiếp làm phát sinh hậu quả nhưng thông qua hành vi của C thì hậu quả được phát sinh. Hơn nữa C bỏ đi chứ không hề có hành động ngăn cản việc thực hiện tội phạm xảy ra.
Hành vi của em trai bạn không thỏa mãn hết các điều kiện của trường hợp tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội. Vì vậy, C không được xem là tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội. Thấy rõ em trai bạn đã đủ độ tuổi chịu TNHS và đủ các dấu hiệu để cấu thành tội trộm cắp tài sản, vì thế, em trai bạn vẫn phải chịu TNHS về tội trộm cắp tài sản quy định tại Điều 138 BLHS.

Trên đây là các nội dung tư vấn của Luật Huy Thành để Quý Khách hàng tham khảo. Các vấn đề khác cần tham vấn hoặc hỗ trợ pháp lý, đề nghị Quý Khách hàng liên hệ với Luật Huy Thành qua Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 1900 6179 hoặc qua mobile để yêu cầu dịch vụ của Luật sư Nguyễn Văn Thành - Luật sư Giỏi tại Hà Nội: 0909 763 190.

Bạn tham khảo bài viết liên quan TẠI ĐÂY

bttop