Vi phạm đặt cọc xử lý thế nào?

05/01/2018

Câu hỏi:
Tôi có trường hợp này mong được giải đáp. Tôi và chị B quen biết nhau qua làm ăn. Tôi biết chị B chuyên cung cấp một số hàng quần áo tốt, mẫu mã đẹp nên có ý định mua của chị B để bán lại kiếm lời. Tôi và chị B thỏa thuận tôi đặt cọc cho chị B 100 triệu, sau 10 ngày chị B sẽ giao hàng cho tôi và hai bên thanh toán nốt tiền cho nhau. Tuy nhiên, đến nay đã quá hạn 10 ngày nhưng chị B vẫn chưa giao hàng cho tôi; tôi liên hệ nhiều lần thì chị B nói hàng đang bị Hải quan giữ lại, chưa giao về được…Số tiền nêu trên là tôi đi vay nên lúc này bị áp lực trả nợ. Xin hỏi trong trường hợp này tôi phải giải quyết như thế nào?

Trả lời:
Kính gửi anh/chị, trường hợp của anh/chị chúng tôi xin đưa ra ý kiến tư vấn như sau:
Điều 358 Bộ luật Dân sự 2005 quy định:
“Điều 358. Đặt cọc
1. Đặt cọc là việc một bên giao cho bên kia một khoản tiền hoặc kim khí quí, đá quý hoặc vật có giá trị khác (sau đây gọi là tài sản đặt cọc) trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng dân sự.
Việc đặt cọc phải được lập thành văn bản.
2. Trong trường hợp hợp đồng dân sự được giao kết, thực hiện thì tài sản đặt cọc được trả lại cho bên đặt cọc hoặc được trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền; nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng dân sự thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc; nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng dân sự thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thoả thuận khác”.
Trong tình huống của anh/chị thì có thể thấy giữa anh/chị và chị B đã có thỏa thuận về việc đặt cọc số tiền 100 triệu đồng để hai bên thực hiện mua bán quần áo với nhau. Tuy nhiên, đã quá thời hạn thỏa thuận nhưng chị B vẫn chưa thực hiện việc giao hàng hóa cho anh/chị. Như vậy, có cơ sở để xác định chị B đã vi phạm giao kết đặt cọc giữa hai bên theo khoản 2 Điều 358 nêu trên. Anh/chị có quyền yêu cầu chị B hoàn trả lại tiền cọc và một khoản tiền tương đương với số tiền cọc (phạt cọc).
Trước hết, anh/chị nên trao đổi, thương lượng cụ thể với chị B về việc giải quyết số tiền cọc nêu trên. Nếu chị B vẫn không thiện chí giải quyết, anh/chị hoàn toàn có quyền khởi kiện ra Tòa án có thẩm quyền yêu cầu chị B hoàn trả tiền đặt cọc và một khoản tiền tương đương với số tiền cọc do vi phạm nghĩa vụ dân sự.

Trên đây là các nội dung tư vấn của Luật Huy Thành để Quý Khách hàng tham khảo. Các vấn đề khác cần tham vấn hoặc hỗ trợ pháp lý, đề nghị Quý Khách hàng liên hệ với Luật Huy Thành qua Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 1900 6179 hoặc qua mobile để yêu cầu dịch vụ của Luật sư Nguyễn Văn Thành - Luật sư Giỏi tại Hà Nội: 0909 763 190.

Bạn tham khảo bài viết liên quan TẠI ĐÂY

bttop