Pháp luật có thừa nhận hôn nhân đồng giới không?

12/06/2019

Hôn nhân đồng giới là vấn đề nhạy cảm rất cao không chỉ ở Việt Nam mà cả trên toàn thế giới, ngay cả với những nước phát triển.

Hôn nhân đồng giới là hôn nhân giữa hai người có cùng giới tính sinh học, đồng cảm, chia sẻ với nhau những khó khăn trong cuộc sống.

Những người cùng giới tính họ cũng mong ước giống như người bình thường đó là được chung sống trong một gia đình với người mình yêu, được quan tâm, chăm sóc, do đó dẫn đến tình trạng kết hôn giữa những người cùng giới tính.

1. Luật hôn nhân và gia đình năm 2000: Hôn nhân đồng giới bị cấm.

Khoản 5, Điều 10 Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 quy định:

“Điều 10. Những trường hợp cấm kết hôn

5. Giữa những người cùng giới tính.”

2. Luật hôn nhân và gia đình năm 2014: Không thừa nhận hôn nhân đồng giới

“Điều 8. Điều kiện kết hôn

2. Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính.”

Không thừa nhận có nghĩa rằng pháp luật không cho phép người đồng giới đăng kí kết hôn tại các cơ quan nhà nước có thẩm quyền hay được coi như vợ - chồng với các quyền và nghĩa vụ tương ứng.

Như vậy, theo quy định trên thì hôn nhân đồng giới không còn bị cấm. Người đồng giới có thể tổ chức hôn lễ, chung sống với nhau nhưng dưới con mắt pháp luật thì không được coi như vợ chồng và không thể đăng kí kết hôn với cơ quan nhà nước.

Đây là kết quả của quá trình vận động và thảo luận xã hội trong suốt những năm qua, dẫn đến việc các nhà làm luật đã nhìn nhận tích cực hơn về quyền kết hôn, bình đẳng của người đồng tính và các cặp đôi cùng giới.

(Ảnh minh họa: Pháp luật có thừa nhận hôn nhân đồng giới không?)

3. Xử phạt hành vi kết hôn đồng giới:

Bên cạnh đó, theo Điều 8 Nghị định 87/2011/ NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình đã hết hiệu lực thì: “Phạt tiền 100.000 – 500.000 đồng với hành vi kết hôn giữa những người cùng giới tính”.

Hiện nay, theo Nghị định 110/2013/NĐ-CP của Chính phủ ban hành quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, Hôn nhân gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã thì Điều 48 có quy định về những hành vi vi phạm quy định về cấm kết hôn, vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng (mức phạt từ 1 triệu đồng đến 3 triệu đồng) thì hành vi “kết hôn giữa những người cùng giới tính” đã được bãi bỏ.

Theo các thống kê được đưa ra, thì ước tính có khoảng 2,5 triệu người đồng tính ở Việt Nam. Con số đó không phải nhỏ, nhưng cũng chưa phải là lớn nếu so với quốc gia có số dân gần 90 triệu người.

Xã hội hiện nay đang nhìn nhận vấn đề này rất khác nhau. Nhiều người nhìn nhận vấn đề này liên quan đến quyền con người, thể hiện tính nhân văn, giảm kỳ thị của xã hội.

Tuy nhiên, ở mặt khác của vấn đề, hôn nhân đồng giới được cho là không phù hợp thuần phong mỹ tục, truyền thống gia đình Việt Nam, không phù hợp quy luật sinh học và không bảo đảm chức năng gia đình về duy trì nòi giống. Điều quan trọng là việc hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới liệu sẽ dẫn đến bao nhiêu hệ lụy tiêu cực xã hội mà pháp luật chưa lường hết.

Việc cho phép và công nhận hôn nhân đồng giới không đơn giản đưa ra một quy định trong Luật hôn nhân và gia đình là xong, mà còn phải xem xét sửa đổi, bổ sung các quy định khác của hệ thống pháp luật. Ví dụ như bổ sung quy định giải quyết hậu quả của việc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng giới tính về quan hệ tài sản, xác định cha, mẹ, con và quyền, nghĩa vụ của cha, mẹ và con… Theo các nguyên tắc quy định tại Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì văn bản quy phạm pháp luật phải đảm bảo tính thống nhất, tính khả thi, phải vừa xuất phát từ thực tế khách quan vừa xuất phát từ bản chất.

Trên đây là một số nội dung tư vấn về vấn đề hôn nhân đồng giới hiện nay để Quý Khách hàng tham khảo. Các vấn đề khác cần tham vấn, đề nghị Quý Khách hàng liên hệ với Luật Huy Thành qua Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 19006179 hoặc yêu cầu dịch vụ hỗ trợ pháp lý gọi 19006179 gặp Luật sư Nguyễn Văn Thành - Luật sư Giỏi tại Hà Nội.

Bạn tham khảo video tư vấn của Luật sư Nguyễn Văn Thành TẠI ĐÂY

bttop