Hiệu lực pháp luật của di chúc

05/01/2018

Câu hỏi:
Mẹ tôi sinh được 5 người con gồm 2 trai, 3 gái. Khi còn sống, mẹ tôi có viết giấy di chúc để lại nhà đất cho cô năm; giấy di chúc cho cô năm nắm giữ. Năm 2013, mẹ tôi ốm nặng nằm liệt giường; trước khi mất, mẹ tôi có gọi tất cả con và 3 người họ hàng tới để nói lên ý định phân chia đều tài sản cho các con, lúc đó những người họ hàng cũng ghi chép lại và có chữ ký của họ. Tuy nhiên, sau khi mẹ tôi mất, cô năm tôi không chịu phân chia tài sản và nói mẹ đã di chúc cho nhà đất trước đó nên không đồng ý phân chia…Vậy xin hỏi trường hợp này của gia đình tôi thì bản di chúc nào có hiệu lực?

Trả lời:
Kính gửi anh/chị, tình huống của anh/chị, bộ phận tư vấn pháp luật tổng đài 1900 6179 – Công ty Luật TNHH Huy Thành xin giải đáp như sau:
Khi còn sống, mẹ anh/chị có viết giấy di chúc để lại nhà đất cho cô thứ năm. Như vậy, có thể xác định đây là một bản di chúc của mẹ anh/chị để lại.
Năm 2013, trước khi mất thì mẹ anh/chị có gọi các con và 3 người họ hàng để nói ý nguyện cuối cùng phân định tài sản, sau đó những người họ hàng ghi chép lại và ký tên. Điều 651 Bộ luật Dân sự 2005 quy định:
“Điều 651. Di chúc miệng
1. Trong trường hợp tính mạng một người bị cái chết đe dọa do bệnh tật hoặc các nguyên nhân khác mà không thể lập di chúc bằng văn bản thì có thể di chúc miệng.
2. Sau ba tháng, kể từ thời điểm di chúc miệng mà người di chúc còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng mặc nhiên bị huỷ bỏ”.
Khoản 5 Điều 652 Bộ luật Dân sự 2005 quy định:
“5. Di chúc miệng được coi là hợp pháp, nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau đó những người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn năm ngày, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng hoặc chứng thực”.
Chúng tôi không nắm rõ được văn bản do 3 người họ hàng ghi chép lại, ký tên đã được công chứng, chứng thực hay chưa. Do vậy, có thể xác định như sau:
Nếu văn bản ghi chép lại đó được thực hiện công chứng, chứng thực trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày mẹ anh/chị di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc miệng đó được coi là hợp pháp. Và khi đó thì bản di chúc miệng sẽ có hiệu lực pháp luật. Khoản 5 Điều 667 Bộ luật Dân sự 2005 quy định: “5. Khi một người để lại nhiều bản di chúc đối với một tài sản thì chỉ bản di chúc sau cùng có hiệu lực pháp luật”.
Nếu di chúc miệng không đáp ứng được các điều kiện quy định nêu trên thì di chúc miệng của mẹ anh/chị được coi là không hợp pháp. Do vậy, bản di chúc đầu tiên của mẹ anh/chị sẽ có hiệu lực pháp luật kể từ thời điểm mẹ anh/chị mất.

Trên đây là tư vấn của Luật Huy Thành để Quý Khách hàng tham khảo. Các vấn đề khác cần tham vấn hoặc hỗ trợ pháp lý, đề nghị Quý Khách hàng liên hệ với Luật Huy Thành qua Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 19006179 hoặc qua mobile để yêu cầu dịch vụ của Luật sư Nguyễn Văn Thành - Luật sư Giỏi tại Hà Nội: 0909 763 190.

Bạn tham khảo bài viết liên quan TẠI ĐÂY

bttop